Đã trải qua 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết. PGS, TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao trong bài nghiên cứu có tựa đề "Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: Bốn mươi năm vì hòa bình, phát triển bền vững biển và đại dương" đã nhấn mạnh: UNCLOS năm 1982 còn có những quy định tiến bộ, gắn liền với định hướng quản trị biển và đại dương bền vững, hướng tới tương lai. Bà Lan Anh phân tích:

Không chỉ tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, phổ quát, một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo, thúc đẩy hòa bình, ổn định trên biển, UNCLOS năm 1982 còn có những quy định tiến bộ, gắn liền với định hướng quản trị biển và đại dương bền vững, hướng tới tương lai. Nghĩa vụ hợp tác là tâm điểm của Công ước khi được đề cập tới 60 lần tại 14 điều khoản khác nhau trong Công ước, trong đó có quy định về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, gìn giữ môi trường biển, hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hợp tác tại vùng biển nửa kín, hợp tác trong trấn áp tội phạm trên biển...

Biển xanh

Trong lĩnh vực bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, UNCLOS năm 1982 quy định xuyên suốt, quy trách nhiệm nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế; đồng thời, xác định nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong phạm vi biển cả. Đặc biệt Phần XII của UNCLOS năm 1982 được dành riêng để quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển với 11 mục.

Ngoài mục 1 quy định về nghĩa vụ chung áp dụng với các quốc gia, Phần XII của UNCLOS năm 1982 có các quy định cụ thể về hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, đánh giá tác động của các nguồn ô nhiễm môi trường biển. Trong đó, để có thể xây dựng các quy định phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển ở cấp độ quốc gia và quốc tế và xác định trách nhiệm với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, UNCLOS năm 1982 phân loại nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn đất liền, từ các hoạt động khai thác tại Vùng, từ tàu thuyền, từ hoạt động nhận chìm, đổ thải ra biển, từ không khí và khí quyển. Bên cạnh đó, UNCLOS năm 1982 cũng có những quy định đặc thù cho các vùng biển bị băng bao phủ và xác định mối quan hệ với các điều ước quốc tế chuyên ngành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khác.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, UNCLOS năm 1982 nhấn mạnh tới sự bảo đảm hài hòa giữa một bên là quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển và một bên là lợi ích của cộng đồng. Theo đó, Công ước quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế phổ biến các thông tin và kiến thức là kết quả của công tác nghiên cứu khoa học biển. Đồng thời, Công ước cũng yêu cầu các quốc gia, tổ chức quốc tế hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các dữ kiện, thông tin khoa học và cho việc chuyển giao các kiến thức thu được từ công tác nghiên cứu khoa học biển, nhất là cho các quốc gia đang phát triển cũng như cho việc tăng cường xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển.

Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của khoa học - kỹ thuật, đồng thời, khắc phục tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia trong lĩnh vực này, UNCLOS năm 1982 dành riêng Phần XIV để quy định về vấn đề chuyển giao kỹ thuật. Theo đó, Công ước xác định nguyên tắc các quốc gia hợp tác trực tiếp, hoặc thông qua các tổ chức quốc tế nhằm tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, chuyển giao khoa học - kỹ thuật biển theo các thể thức, điều kiện công bằng và hợp lý. Công ước đặc biệt chú trọng đến nhu cầu được hưởng hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia đang phát triển, quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý, trong việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý các tài nguyên của biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động khác nhằm tiến hành trong môi trường biển phù hợp để thúc đẩy tiến bộ xã hội và kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Công ước cũng khuyến khích việc thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật biển của quốc gia và khu vực để động viên và xúc tiến việc nghiên cứu khoa học biển nhằm sử dụng và gìn giữ các tài nguyên biển cho mục đích phát triển bền vững.

Để hướng tới các mục tiêu bảo tồn các nguồn gen biển quý nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hiện nay, các nước thành viên của Công ước đang tham gia quá trình đàm phán, ký kết một hiệp định về đa dạng sinh học tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đồng thời, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ và các vấn đề mới nảy sinh, như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của dịch bệnh sẽ tiếp tục được các nước thành viên thảo luận để bổ sung cho các quy định của Công ước.

Văn Hùng (lược trích), Kiều Oanh, Bảo Phùng