Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề tuân thủ, sử dụng pháp luật đã ngày càng tăng lên. Song song với đó, thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam đang ngày càng phát triển, với dấu mốc quan trọng là Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tế vẫn còn hạn chế. Khảo sát trong giai đoạn 2021-2022 của Bộ Tư pháp cho thấy, 45,4% doanh nghiệp được khảo sát chưa từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật; lý do chủ yếu là không có nhu cầu (chiếm 32,3%) và không đủ kinh phí (chiếm 30,4%).

thaco hue.jpg

Vì vậy, việc thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được nhấn mạnh, trong đó có việc “hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước”.

Có thể nói, nhu cầu được hỗ trợ về mặt pháp lý của doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở nước ta tương đối cao. Đặc biệt, đối với một số vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước (như thủ tục hành chính hay hướng dẫn áp dụng pháp luật), các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa thể giải quyết đầy đủ các vướng mắc của doanh nghiệp. Trong khi đó, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương do mình quản lý.

Vì vậy, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, có giải đáp chính thức các vấn đê pháp lý liên quan là giải pháp thiết thực, mang tính chất bổ trợ cho dịch vụ pháp lý, đáp ứng được nhu cầu được hướng dẫn áp dụng pháp luật và giải đáp pháp luật của doanh nghiệp.



Thu Huyền và nhóm PV, BTV