Theo thống kê, tính đến tháng 9/2023, cả nước có 3.718 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 1.600 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 36.207 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trong đó có 21.069 hướng dẫn viên quốc tế, 13.545 hướng dẫn viên nội địa, 1.593 hướng dẫn viên tại điểm.

Cũng tính đến tháng 9/2023, cả nước có 571 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch quốc gia đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch; có 244 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.276 buồng và 365 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 49.569 buồng.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đã được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ; nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung đa dạng tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Đi đôi với phát triển các dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó các chính sách pháp luật quốc tế, thể chế và con người của hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Trong đó, không thể thiếu được sự đồng hành, hỗ trợ pháp lý của các Bộ, ngành và địa phương.

cau vang dn.jpeg
Hệ thống hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ

Trong những năm qua, các bộ, ngành đã nỗ lực không ngừng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1 luật, 7 nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 Thông tư.

Về phía địa phương, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Du lịch quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh”, một số địa phương đã ban hành quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh (như: Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu...); một số địa phương hiện nay Sở đang trong quá trình tham mưu trình Ủy ban nhân dân xem xét, ban hành (ví dụ: Quảng Ngãi); một số địa phương chưa ban hành do chưa có khu du lịch cấp tỉnh (ví dụ: Hậu Giang, Phú Yên, Tây Ninh...).

Bên cạnh việc ban hành văn bản quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh, nhiều địa phương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn như: Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, An Giang, Bình Phước, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên...); Quy chế quản lý khu du lịch, điểm du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hòa Bình...);

Quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ khách du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế...); Chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Yên Bái...).

Ngoài ra, ngành Du lịch cũng thường xuyên tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, quản lý khách du lịch; chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; phổ biến, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật du lịch và các văn bản liên quan đến lĩnh vực du lịch;

Để hỗ trợ về pháp lý và các quy định về pháp luật trong năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đôn đốc các Sở chủ động phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; Chỉ đạo một số Sở kiểm tra, xử lý phản ánh của khách du lịch về chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm tại một số địa phương và hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý trong các trường hợp không may xảy ra tranh chấp, khiếu kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Hiệp

Tư Giang và nhóm PV, BTV