Nhiều trưởng cao đẳng, đại học Mỹ đã cấm ChatGPT. Ảnh: NYT.

Yêu cầu xây dựng ý tưởng ngay trên lớp

Khi chấm bài tiểu luận về tôn giáo thế giới, giáo sư triết học Antony Aumann tại Đại học Northern Michigan đã đặt nghi vấn với bài viết mà ông cho là "xuất sắc nhất lớp".

Ông Aumann lập tức chất vấn và sinh viên thú nhận đã sử dụng ChatGPT- một chatbot thông minh tạo ý tưởng và viết bài từ những từ đơn giản.

Giáo sư ngay lập tức chuyển đổi cách viết luận cho các khóa học trong kỳ này. Ông dự định yêu cầu sinh viên phải viết bản thảo đầu tiên ngay tại lớp học, đồng thời sử dụng các trình duyệt giám sát. Trong các bản nháp sau này, sinh viên phải giải thích từng ý sửa đổi.

Giáo sư cũng có kế hoạch cho sinh viên thảo luận về các câu trả lời của ChatGPT trong các bài học.

Chặn nền tảng trên thiết bị và wifi

Theo The New York Times, trên khắp nước Mỹ, ban giám hiệu các trường đang bắt đầu đại tu các lớp học để đối phó với ChatGPT.

Hội đồng Đại học Florida đã họp để thảo luận về cách đối phó với ChatGPT. Ảnh: NYT.

Một số hệ thống trường công lập ở thành phố New York và Seattle đã cấm công cụ này trên các thiết bị và mạng Wi-Fi của trường để ngăn gian lận. 

Các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã miễn cưỡng cấm AI. Nhà trường cũng không muốn xâm phạm quyền tự do học thuật của sinh viên.

ChatGPT cũng trở thành chương trình nghị sự hàng đầu tại nhiều trường. Hội đồng trường đang thành lập các nhóm đặc nhiệm và tổ chức các cuộc thảo luận để nhận ý kiến phản hồi, đề xuất giải pháp thích ứng với công nghệ.

Quay về "truyền thống" và khắt khe hơn: Viết tay, kiểm tra miệng...

Tại Đại học George Washington, Đại học Rutgers và Đại học Appalachian State, các giáo sư đang loại bỏ dần các bài tập mang về nhà, đề thi mở - vốn đã trở thành một phương pháp đánh giá chủ đạo trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Thay vào đó, làm bài tập trên lớp, bài tập viết tay, làm việc nhóm và kiểm tra miệng là các hình thức được lựa chọn.

Các giáo viên đang quay về những cách kiểm tra truyền thống. Ảnh: ApplyAbroad.

Đã qua rồi những đề bài như “viết 5 trang về cái này hay cái kia”. Thay vào đó, một số giáo sư đang đặt ra những câu hỏi mà họ hy vọng là quá thông minh đối với chatbot, như yêu cầu sinh viên viết về cuộc sống và các sự kiện hiện tại của chính bản thân họ.

Frederick Luis Aldama, Trưởng khoa Nhân văn tại Đại học Texas, cho biết ông dự định dạy những kiến thức mà ChatGPT có thể có ít thông tin hơn, chẳng hạn như những bài thơ sonnet (Thơ gồm 14 câu) đầu tiên của William Shakespeare thay vì vở kịch kinh điển “Giấc mộng đêm hè”.

Trong trường hợp những thay đổi không thể ngăn chặn đạo văn, ông Aldama và các giáo sư khác cho biết họ dự định đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn và chấm điểm khắt khe hơn với bài làm của sinh viên. 

Tái định nghĩa "đạo văn"

Đại học Buffalo và Đại học Furman cho biết họ dự định tổ chức một cuộc thảo luận về việc sử dụng công cụ AI trong học tập cho sinh viên năm nhất nhằm làm rõ các khái niệm như "đạo văn", "tính liêm chính trong học thuật".

Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Vermont ở Burlington đang sửa đổi chính sách để tái định nghĩa "đạo văn".

John Dyer, Phó Giám đốc phụ trách tuyển sinh và công nghệ giáo dục tại Chủng viện Thần học Dallas, cho biết trường dự định cập nhật định nghĩa "đạo văn" bao gồm: “sử dụng văn bản được tạo ra bởi một hệ thống và lấy thành của mình (ví dụ: nhập gợi ý vào một công cụ trí tuệ nhân tạo và sử dụng nội dung đầu ra trong một bài luận).”

Dùng công nghệ "trị" công nghệ

Một số giáo sư và trường đại học cho biết họ dự định tiếp tục sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn để loại bỏ tận gốc việc sử dụng công cụ AI.

Dịch vụ phát hiện đạo văn Turnitin cho biết họ sẽ kết hợp nhiều tính năng hơn để phát hiện sản phẩm của AI, bao gồm cả ChatGPT, trong năm nay.

Edward Tian, sinh viên năm cuối tại Đại học Princeton đồng thời là nhà sáng lập GPTZero - chương trình phát hiện nhanh chóng và hiệu quả văn bản do AI tạo ra - cho biết hơn 6.000 giáo viên từ Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Rhode Island và những trường khác đã đăng ký sử dụng phần mềm này.

Tuy vậy, công cuộc thích ứng và đối phó của ngành giáo dục sẽ không dừng lại ở đó. OpenAI dự kiến sẽ sớm phát hành phiên bản tốt hơn GPT-4. Google cũng xây dựng LaMDA, một chatbot đối thủ. Microsoft đang thảo luận về khoản đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI để phát triển tính năng. Các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon cũng đang nghiên cứu sản xuất các phần mềm tương tự.

Bảo Huy