Bún bò Huế
Nhắc tới ẩm thực vùng cố đô không thể không kể đến món bún bò Huế nổi tiếng, được đông đảo thực khách trong và ngoài nước ca ngợi, xem là một trong những đặc sản nhất định phải thử một lần trong đời.
Một tô bún bò Huế chuẩn vị sẽ gồm đầy đủ các nguyên liệu như bún, thịt bò, tiết heo, chả cua và nước dùng đậm đà. Sợi bún được làm từ bột gạo pha với bột lọc theo tỉ lệ riêng, tạo cho bún có độ mềm và dai vừa phải.
Thịt bò được chọn kỹ càng, còn tươi ngon và chủ yếu là phần bắp chân trước, phần nạm bò hoặc bắp hoa màu đỏ tươi. Ngoài ra không thể thiếu chả cua được làm từ gạch và thịt cua xay nhuyễn, giúp món ăn có vị béo ngọt tự nhiên.
Nước dùng được xem là linh hồn của món ăn, được ninh trực tiếp từ xương ống bò nên có vị ngọt thanh đậm đà. Ngoài ra, người nấu còn thêm vào chút mắm ruốc và sả để nước dùng có mùi thơm nồng hấp dẫn.
Cơm hến
Chẳng phải cao lương mĩ vị, cũng chẳng phải đặc sản cầu kỳ nhưng từ bao năm nay, cơm hến vẫn trở thành món ăn khiến bao thực khách phải thổn thức khi nhớ về xứ Huế.
Theo người dân cố đô, cơm hến chuẩn Huế ngon phải đảm bảo được làm từ những con hến vàng cháy của vùng Cồn Hến. Sau đó ngâm hến với nước khoảng vài ngày để chúng nhả sạch bùn đất bên trong, rồi đem rửa sạch lại lần nữa.
Tiếp đến, người ta lại ngâm hến trong nước vo gạo loãng để chọn ra những con hến to khỏe nhất rồi lại bỏ vào trong nước sâm pha trước khi đem luộc, đãi. Có vậy, nước hến mới trong và ngon ngọt.
Để làm được một bát cơm hến ngon, những người đầu bếp phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu gồm hến Cồn Hến, mỡ lợn, mè (vừng), đậu phộng, rau dọc mùng, rau thơm, rau bạc hà, ngò, khế, bắp chuối và cơm.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc có ở nhiều nơi nhưng chỉ khi ăn tại Huế, du khách mới cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon đặc trưng, đúng điệu của món bánh nức tiếng miền Trung.
Nguyên liệu chính để làm bánh bột lọc gồm bột năng để làm vỏ, tôm và thịt lợn dùng làm nhân. Phần bột năng sau khi pha, nặn thì cho nhân tôm thịt đã rim chín vào, sau đó gói trong lá chuối và mang đi hấp.
Bánh bột lọc Huế được làm bằng bột lọc với nhân tôm, thịt ba chỉ. Khi hấp chín, bánh trở nên trong suốt và có độ dai vừa phải, dùng kèm với nước mắm ớt chua ngọt rất ngon (Ảnh: Tiệm của Quyên).
Bánh bột lọc ngon là khi bóc phải có màu trong suốt, bột không bị dính hay đọng vào lá. Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được bánh có độ dai, mềm của bột năng và vị đậm đà của nhân thịt, tôm.
Nước chấm cũng là yếu tố quan trọng để nâng tầm hương vị cho món bánh bột lọc. Người Huế có công thức pha chế nước chấm rất riêng và lạ nên dù sử dụng các nguyên liệu quen thuộc như mắm, đường, nước lọc, tỏi băm, ớt... vẫn tạo ra hương vị thơm ngon khác biệt.
Chè bột lọc heo quay
Huế cũng được xem là một trong những “thủ phủ” của các loại chè độc đáo. Thậm chí, có những món chè lạ miệng, thực khách chỉ có thể thưởng thức ở vùng cố đô. Đó chính là chè heo quay.
Chè heo quay thực chất là những viên bột lọc bọc thịt heo quay, gồm phần vỏ làm từ bột lọc và phần nhân là thịt heo quay. Dù được làm từ hai nguyên liệu dân dã, dễ mua nhưng để món chè chuẩn vị ngon đòi hỏi người chế biến cần có sự kỳ công, khéo léo.
Khi khách gọi món, người bán mới múc viên bột lọc ra bát hoặc cốc rồi chan thêm nước đường. Nhiều người thích ăn chè nóng sẽ bỏ thêm vài lát gừng và rắc mè rang lên trên. Một số khác lại thích thưởng thức món này với đá lạnh như một thức quà giải nhiệt mùa hè.
Xúc một miếng chè heo quay, cho vào miệng và nhai thật chậm rãi, thực khách sẽ thấy vị dai dai giòn giòn của bột lọc hòa quyện với miếng thịt mằn mặn, béo ngậy và chút nước đường ngọt thanh.
Cà phê muối
Cà phê muối là món đồ uống rất riêng, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất cố đô Huế. Thức uống này ra đời cách đây hơn 10 năm song đến nay vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ người bản địa và du khách thập phương.
Thực khách khi gọi cà phê muối sẽ được phục vụ một ly/cốc với lớp sữa đặc bên dưới, thêm sữa lên men và muối. Trên cùng là phin cà phê.
Cà phê khi chảy nhỏ giọt xuống sẽ hòa tan vào các nguyên liệu phía dưới, khiến màu sắc ly nước từ từ thay đổi rất thú vị. Chờ cà phê chảy hết, chừng 3-4 phút, thực khách chỉ cần khuấy đều là có thể thưởng thức.
Những người chưa quen sẽ cảm thấy cà phê muối hơi khó uống, lạ miệng vì sự hòa trộn giữa các vị mặn, ngọt và đắng. Tuy nhiên, những nguyên liệu tưởng chừng không liên quan nhưng khi kết hợp lại tạo nên thức uống thơm ngon, đậm đà. Bởi muối có vai trò trung hòa, làm bật lên vị ngọt của sữa và tiết chế vị đắng của cà phê rang xay.