- Họp lớp là cuộc “hội nghị” không có cấp trên, cấp dưới, không kính thưa, kính gửi, không có khoảng cách giàu nghèo, chỉ có bạn bè với những lời xưng hô thân thuộc.

Trong thời điểm họp lớp trở thành trào lưu nở rộ khắp nơi, nhà nhà họp lớp, người người họp lớp, họp từ lớp THCS, THPT đến chuyên nghiệp, người ta còn đùa nhau dần dần có thể họp các lớp như lớp chính trị, lớp chuyên viên và không khéo có cả hội lớp học…lái xe; có thể nói, VietNamNet đã chọn một đề tài hấp dẫn mà chắc rằng không ai đứng ngoài cuộc.

Theo dõi các bài viết của các bạn đọc về chủ đề này, người ủng hộ không ít mà kẻ phản đối cũng khá nhiều. Bản thân tôi cũng là người từng học sinh, sinh viên, nên không thể không có những lần họp lớp này, lớp nọ.

{keywords}

Họp lớp Luật Kinh tế nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường (Ảnh:

Nguyễn Thu Thương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai)

Trải qua những lần họp lớp như thế, với tư cách có khi là người đứng đầu, có khi chỉ là một thành phần trong ban tổ chức - tôi có thể đưa ra một số ý kiến để mọi người cùng nhìn nhận, trao đổi “nên hay không nên tổ chức các cuộc họp lớp”:

Việc thứ nhất là phải xác định tính chất, thời gian nhất định của cuộc họp lớp đúng nghĩa. Nếu như vậy, thì 5 năm một lần hoặc nhân dịp kỉ niệm thành lập trường mới tổ chức họp lớp, còn các năm khác chỉ là giao lưu nhỏ, hay các nhóm bạn thân với nhau trong lớp gặp gỡ nhẹ nhàng, trong một thời gian ngắn gọn. Những cuộc như thế này không thể gọi là họp lớp mà là hội nhóm vui vẻ.

Việc thứ hai là chọn lớp mình học tổ chức họp lớp. Vì chắc rằng mỗi người chúng ta sẽ tham gia rất nhiều lớp học, riêng cấp học phổ thông có khi tiểu học học một lớp, THCS học một lớp, THPT học một lớp chưa nói các lớp chuyên nghiệp…

Vì vậy, việc chọn lớp học nào phù hợp để tham gia họp lớp là hết sức quan trọng. Cá nhân tôi tôi chọn lớp thời THPT, đó là thời điểm bạn bè vừa vô tư, trong sáng, vừa cũng đủ nhận thức để nhìn nhận các sự việc. Còn những bạn bè khi học THCS lên THPT họ chuyển lớp thì họ cũng đã tham gia theo lớp của họ. Còn các lớp chuyên nghiệp thì rất khó, vì gần như bạn bè sống xa nhau.

Việc thứ ba là khi tổ chức họp lớp phải có bầu ra ban tổ chức để xây dựng kế hoạch, bàn bạc, thống nhất từ thời gian, địa điểm, thành phần, chương trình, kinh phí… làm sao cho hợp lí cho tất cả mọi người cùng tham gia. 

Về thời gian lớp chúng tôi thường chọn vào dịp nghĩ lễ mà được nghỉ từ 3- 4 ngày, vì khi đó bố mẹ, con cái được nghỉ và có thể về cùng tham gia (có những lớp chọn vào dịp nghỉ hè, tuy nhiên thời điểm đó chỉ có con cái được nghỉ học). Kinh phí đóng nộp là vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất, đòi hỏi ban tổ chức phải tính toán hết sức phù hợp, trước đó phải nắm bắt được cơ bản tình hình, điều kiện cuộc sống của bạn bè trong lớp, từ đó đưa ra mức thu chung hợp lí, số thiếu còn lại là huy động (chứ không yêu cầu) những người có điều kiện thu nhập cao hơn và được công bố một cách khéo léo.

Chúng tôi là học THPT ở một tỉnh bình thường, nên việc tổ chức cũng không cần cầu kỳ, hoành tráng mà ngược lại rất tiết kiệm. Ví dụ: đồ uống của nam là cây nhà lá vườn tự đưa đi, phương tiện đi lại huy động nội bộ, thuê phòng số lượng phù hợp…Nếu tính toán phù hợp thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Vì trong ý thức của mọi người đến đây ăn uống là thứ yếu, gặp gỡ, hàn huyên trò chuyện mới là quan trọng.

Thứ tư là việc thiết kế một chương trình phải hợp lí, vừa có tính tri ân, tình cảm nhưng cũng vui vẻ như khi còn đang đi học. Chương trình phải có sự tham gia của các thầy cô là giáo viên chủ nhiệm, là giáo viên dạy nhiều năm tại lớp, hoặc đến thăm thầy cô, bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, đây cũng là dịp mà mọi người nắm rõ hoàn cảnh của thầy, cô mình, của bạn bè mình để có sự chung tay, chia sẽ…

Thiết kế buổi liên hoan vừa đảm bảo tính hài hòa, để mọi người cùng hòa đồng với nhau, cùng ăn uống, chúc tụng, hát hò nói chuyện vui vẻ. Nếu có thêm chương trình dã ngoại thì chọn về vùng quê của bạn bè trong lớp, vừa thêm hiểu biết, vừa về thăm quê bạn, lại có thời gian ôn lại những chuyện cũ, những trò đùa nghịch ngợm ngày xưa và có thời gian thoãi mái thư giản sau nhưng tháng ngày theo công việc.

Thứ năm là trách nhiệm sau họp lớp, lớp phải giao trách nhiệm một số trưởng ban liên lạc các vùng nơi bạn bè sinh sống đó là phải kịp thời thông báo cho toàn thể thành viên trong lớp và đại diện lớp đến (nếu các thành viên không đến được) nhà bạn bè trong lớp nơi mình ở để chung vui khi có nhưng việc vui hoặc sẽ chia nhưng khó khăn, rủi ro đột xuất mà bạn mình gặp phải. Đây là cầu nối về mặt tinh thần để bạn bè thêm gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn.

Trong cuộc sống không có cái gì là hoàn mĩ, việc người đồng ý, người phản đối, thậm chí là có những câu chuyện phức tạp sau khi họp lớp kết thúc như mọi người từng có ý kiến là điều bình thường.

Tuy nhiên, theo tôi, họp lớp đúng nghĩa là dịp bạn bè trong lớp ngồi lại với nhau, là dịp trở về mái nhà xưa sau nhưng năm tháng xa cách, đây có thể nói là cuộc “hội nghị” mà không có cấp trên, cấp dưới, không kính thưa, kính gửi, không có khoảng cách giàu nghèo, chỉ có bạn bè với những lới xưng hô “mày- tao” quen thuộc.

Sau cuộc họp, trở về với đời thường thì vẫn có nhưng bạn bè có quan hệ là sếp - nhân viên. Nhưng trong buổi họp lớp - tất cả chỉ quay về với tuổi cắp sách đến trường với những kỷ niệm đẹp của thời “nhất quỷ, nhì ma….”

Những ý kiến trên cũng chính là các nội dung mà lớp chúng tôi vừa kỉ niệm 20 năm ngày ra trường. Nên, tôi yêu bạn bè tôi.  Tôi yêu tổ ấm thân thương thời THPT. Và cứ 5 năm một lần chúng tôi lại trở về bên nhau.

Hãy chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận buổi họp lớp đáng để nhớ và nên...quên của bạn. Bài viết gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên chuyên mục Giáo dục.

  • Nguyễn Hồng Ngọc (Phòng GD-ĐT Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)