- Trong hai ngày (6 và 7/5), Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam.

Tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo, ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực Việt Nam, thành viên Ban Thường trực Đề án đổi mới giáo dục phổ thông, lần đầu tiên đã đưa ra đề xuất về 5 tiêu chuẩn đánh giá SGK.

Cụ thể, thứ nhất SGK không vi phạm quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục và các quy định hiện hành tại các văn bản Luật khác có liên quan. SGK tuân thủ chương trình Giáo dục phổ thông.

Thứ hai, cung cấp nội dung kiến thức bảo đảm đồng bộ và phù hợp với mục tiêu chương trình; thể hiện tường minh, cụ thể, đúng và đủ yêu cầu cần đạt của chương trình môn học ở từng lớp của từng cấp học. Cung cấp nội dung kiến thức cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

  {keywords}
Ảnh Văn Chung

Nội dung SGK đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản là bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông.

Lựa chọn và tổ chức nội dung bảo đảm yêu cầu thống nhất giữa tích hợp và phân hóa, qua đó hình thành và phát triển tối đa năng lực của mỗi học sinh.. Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong việc tổ chức, lựa chọn nội dung.

Thứ ba, hỗ trợ phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học sinh và đánh giá kết quả học tập của HS. Hỗ trợ HS phương pháp học, đánh giá kết quả học tập.

Thứ tư, tùy theo môn học, nội dung giáo dục, dạy học được thiết kế theo phần, chương, bài. Đối với các môn học tích hợp: Nội dung SGK được thiết kế theo hướng giữ nội dung chính của từng phân môn và sắp xếp vào một chương hoặc một số chương đồng thời thiết kế các chủ đề liên phân môn. Đối với chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các môn học mà HS được phép tự chọn một số nội dung trong các môn học: Nội dung dạy học, giáo dục được thiết kế theo các modul với thời lượng giáo dục từ 15 tiết/modul.

Thứ năm, trình bày văn bản SGK với các tiêu chí về tính mỹ thuật; kỹ thuật trình bày nội dung; kỹ thuật trình bày về hình thức đối với SGK giấy, SGK điện tử.

Quy trình biên soạn bắt buộc

GS Đinh Quang Báo cũng công bố quy trình biên soạn SGK áp dụng bắt buộc cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách gồm ba bước cơ bản.

Trước hết phải có bản dự thảo và thử nghiệm SGK theo chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi thử nghiệm, hội đồng quốc gia sẽ tiến hành thẩm định và phê duyệt bản thảo sạch để in.

Quy trình cụ thể hơn, các tác giả sẽ được tập huấn về biên soạn SGK. Sau khi tập huấn, các tác giả viết đề cương sách giáo khoa và tổ chức góp ý về đề cương.

Trên cơ sở các góp ý, tác giả hoàn thiện đề cương và soạn bản thảo SGK theo đề cương. Bản thảo này sẽ được trưng cầu ý kiến và được Hội đồng quốc gia thẩm định, tổ chức dạy thực nghiệm. Bước cuối cùng là chỉnh sửa, phê duyệt cho phép sử dụng SGK.

Theo ông Báo, các tiêu chuẩn đánh giá sách và quy trình soạn sách dựa trên các kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia về kinh nghiệm trong nước và quốc tế về biên soạn và đánh giá SGK.

Bà Nguyễn Kim Hồng- Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: Thay đổi chương trình giáo dục phổ thông lần này dẫn tới việc cần có nhiều bộ SGK khác nhau để các trường phổ thông lựa chọn sao cho đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Nhưng nếu thiếu đi sự chuẩn bị và nếu việc biên soạn giản đơn đến mức các sở đăng ký biên soạn là được thì có thể dẫn đến tình trạng mỗi sở sẽ sử dụng bộ SGK của riêng mình.

Văn Chung