Mới đạt 50% kỳ vọng

Sau khi Việt Nam tuyên bố mở cửa du lịch, nhất là từ tháng 5 đến nay, khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu thông tin, đặt tour đến Việt Nam tăng cao hơn nhiều. Bà Bùi Băng Giang, CEO của Exotica Vietnam, cho hay, công ty của bà phải tuyển thêm cả chục nhân viên sale để kịp trả lời cho khách. Văn phòng công ty ở Xiêm Riệp (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) nhiều khi quá tải. Đáng lưu ý, khách đoàn giờ không đông như khách lẻ, khách tự đi; khách đến từ châu Âu ít hơn khách Nam Mỹ.  

Tuy nhiên, đây chỉ là một vài nét sáng trong bức tranh chung. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 228,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Không ít chuyên gia du lịch cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi, tuy mức tăng cao như vậy, nhưng đó là so với cùng kỳ năm 2021, khi du lịch Việt Nam gần như quay về con số 0, khách quốc tế hoàn toàn vắng bóng.

Gần đây, lượng khách tăng mạnh trở lại là nhờ Việt Nam thực hiện mở cửa du lịch từ 15/3, đồng thời nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát về y tế, mở lại đường bay quốc tế,… 

Các thị trường khách hàng đầu của Việt Nam đều gặp khó khăn (nguồn TAB)

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), đánh giá, so với mục tiêu đề ra, Việt Nam mới đi được hơn một nửa so với kỳ vọng. Tức là, trong những tháng cuối năm (7 tháng), chúng ta cần đón khoảng hơn 4,65 triệu lượt khách. Tính ra trung bình, mỗi tháng còn lại, Việt Nam cần đón được trên 650.000 khách. Con số này là không hề dễ dàng.

Đón 5 triệu lượt khách, ông Chính cho rằng có thể đạt được nhưng còn nhiều khó khăn phía trước, đặc biệt là từ các thị trường khách nguồn lớn. Thị trường Trung Quốc với 32% thị phần, chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế, vẫn đóng cửa. Thị trường Nga năm nay, thậm chí có thể vài năm tới, coi như mất trắng. Nhật Bản mới mở cửa, tuy nhiên tâm lý của du khách Nhật vẫn còn e dè, sớm nhất cuối năm nay mới có thể đón khách bình thường. Thị trường Đài Loan cũng chưa chắc chắn. May ra, chúng ta có thể trông chờ vào thị trường Mỹ và Hàn Quốc. Các thị trường còn lại số lượng khách không lớn, chưa kể nếu có cũng chỉ tăng từ từ. 

Theo ông Chính, trong kịch bản lạc quan nhất và chúng ta làm tốt mọi việc, dự kiến khách tăng mạnh nhất từ tháng 10-12 Việt Nam mới đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế. 

Những rào cản

Rào cản vướng nhất, gây cản trở nhất chính là visa. Trên thực tế, có DN lữ hành phải kêu trời vì khách hủy đến Việt Nam do chính sách này. 

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, từng chia sẻ, DN này đã mất tới 10 đoàn khách quốc tế kể từ thời điểm mở cửa du lịch, do không lấy được visa. Khách đến từ Nam Phi, từ Sri Lanka cũng không thể có visa điện tử. "Ngay cả 13 thị trường được miễn visa, thời gian miễn cũng quá ngắn, chỉ 15 ngày. Trong khi, khách Âu thường đi nghỉ dài đến cả tháng, kết hợp sang Campuchia, Thái Lan,... nếu muốn quay lại Việt Nam họ lại phải xin cấp visa từ đầu”, ông Hà than thở.

Khách ngại nhất khi đến Việt Nam là thủ tục visa (ảnh minh họa)

So ngay với nước láng giềng là Thái Lan và Campuchia, bà Bùi Băng Giang nhận xét, họ mở cửa sớm hơn chúng ta nhiều, từ tháng 11/2021, sau đó với quyết tâm đón khách, các chính sách phòng chống dịch dần nới lỏng. Đến nay, có thể nói Thái Lan gần như mở toang cửa. "Với Thailand pass, việc xin cấp visa siêu nhanh, siêu hiệu quả, khách biết có được cấp hộ chiếu hay không chỉ trong vài chục phút; trong khi đó, xin e-visa của Việt Nam chậm, lỗi, lại không biết kết quả thế nào", bà Giang thẳng thắn. 

Còn visa on arrival (thị thực cấp tại sân bay), phía Việt Nam lại yêu cầu phải gửi trước vé in - out (vào -ra), gây khó khăn với khách đi hành trình nhiều nước, chẳng hạn từ Mexico qua Mỹ, Thái Lan rồi mới đến Việt Nam. Chưa kể, khách còn phải gửi bản sao hành trình, bảo hiểm, điểm đến,... rất nhiều thủ tục không cần thiết.

Nhóm nghiên cứu của TAB cho rằng, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thậm chí, thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.

Ngoài ra, bà Bùi Băng Giang nhận thấy, các chuyến bay quốc tế còn ít, giá vé đắt cũng là một hạn chế. Đơn cử, đường bay giữa Việt Nam với Thái Lan/Campuchia vẫn thưa thớt, thậm chí còn chưa mở lại. Mới đây, có chuyến công tác sang Xiêm Riệp, bà Giang phải bay vòng Hà Nội - TP.HCM - PhnomPenh - Xiêm Riệp do đường bay thẳng Hà Nội - Xiêm Riệp vẫn đóng nên rất mất thời gian. Trong khi Thái Lan là cửa ngõ của các chuyến bay đến khu vực nên đi lại rất dễ dàng, thuận tiện.

Theo đánh giá của Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân), còn có sự hạn chế ở khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu. Bà Giang cho rằng, lẽ ra cùng thời điểm Bộ Y tế bãi bỏ các quy định gây phiền phức cho khách như xét nghiệm PCR, ngành du lịch cần có ngay các hoạt động cộng hưởng như tung ra các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ ở tầm quốc gia, ở tất cả các thị trường quan trọng. "Chứ không phải để DN tự đi cập nhật với các thị trường, với từng đối tác", bà Giang nói.

Chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, sau khi chuẩn bị mọi điều kiện, tháo gỡ nhiều khó khăn để có thể mở cửa hoàn toàn du lịch, thì tuyên bố mở cửa xong (ngày 15/3), ngành du lịch vẫn thiếu kế hoạch cho những hoạt động tiếp theo, nói cách khác là chưa có lộ trình để du lịch quốc tế từng bước phục hồi, về trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn. Trong khi đó, các biện pháp hiện nay của cơ quan quản lý dường như vẫn chú trọng khách nội địa, kết quả khách trong nước tăng trưởng khả quan, còn quốc tế vẫn đếm từng vị khách.

Lượng khách chỉ nên là con số tham khảo

Trước lo ngại về khả năng khó đạt 5 triệu khách quốc tế, nhiều DN và chuyên gia góp ý, thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam như lâu nay, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn.

Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm thực sự hấp dẫn để khách nước ngoài tiêu tiền

Ông Hoàng Nhân Chính trăn trở, trong khi Thái Lan, trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại nhờ công tác tiếp thị tốt, rất hiệu quả thì tại Việt Nam tỷ lệ này mới là 25-30%, chưa bằng 1/2. Cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày, nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD. 

Ông Phạm Hà lý giải, đó là bởi du lịch Thái Lan rất giỏi trong việc buộc khách phải mở hầu bao, như cung cấp nhiều dịch vụ và khéo léo trong cách bán hàng. Họ đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác mà luật pháp không cấm. Còn đến Việt Nam, khách Tây vẫn phải đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ đáng tiêu tiền. 

Trong bối cảnh sau đại dịch, để khách quốc tế ồ ạt đến Việt Nam như trước là rất khó. Vì vậy, số lượng khách không nhất thiết năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng thông qua việc thu hút dòng khách cao cấp, khách nhà giàu, có mức chi tiêu cao. Nhờ đó, số lượng có thể chỉ đạt 4 triệu lượt, nhưng doanh thu bằng 5 triệu khách. 

Quan trọng nhất là số tiền thu được từ khách, theo ông Chính, có khi khách ít còn mừng hơn nếu số tiền thu được nhiều hơn, bởi khách quá đông cũng sẽ gây hại cho môi trường, trong khi xu hướng chung của thế giới là du lịch bền vững. 

"Chúng ta cần thay đổi quan điểm, lượng khách chỉ nên là con số để tham khảo; quan trọng là doanh thu của ngành du lịch chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của đất nước", ông Chính nhấn mạnh.

Hà Yên

Chưa mở thực sự, Việt Nam vẫn đếm từng vị khách quốc tế

Tuy Việt Nam đã tái mở cửa du lịch, chính sách visa thông thoáng hơn với một số thị trường, song lãnh đạo không ít DN vẫn than thở nếu chưa mở hẳn, Việt Nam vẫn đếm từng vị khách.