Những ngày cuối cùng ở trại Davis
- Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch” như nhận xét trong cuốn“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
LTS: 50 năm trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền Ngoại giao Việt Nam.
Hiệp định Paris cũng là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhân dịp 50 năm Hiệp định Paris, Báo VietNamNet thực hiện loạt bài Hiệp định Paris 1973 - Nửa thế kỷ nhìn lại, với góc nhìn đa chiều từ những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định.
Đại tá Đào Chí Công – Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh của Ban liên lạc quân sự Trại Davis bồi hồi chia sẻ, sau nửa thế kỷ nhìn lại mỗi khi nói đến Hiệp định Paris thì không thể không nói đến một giai đoạn rất quan trọng đó là thi hành hiệp định.
Ban liên hợp quân sự bốn bên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam cộng hoà được thành lập để bảo đảm việc thực hiện hiệp định.
Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (đoàn A), do Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đoàn B), do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn. Thành phần gồm các cán bộ, sĩ quan của QĐND Việt Nam và Quân đội giải phóng miền Nam và thành viên thuộc các bộ, ban ngành khác.
Hai đoàn được thành lập trong hoàn cảnh đặc biệt, bối cảnh đặc biệt nhằm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, thực thi hiệp định. Đây có thể coi là đội xung kích trong mặt trận chung, thực hiện các điều khoản về quân sự như ngừng bắn; rút quân Mỹ và chư hầu; hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ; trao trả nhân viên quân sự, dân sự và tìm kiếm người mất tích... Ông Đào Chí Công cho biết lúc đó rất tự hào vì là thành viên trong đoàn mặc dù chưa hiểu rõ công việc như thế nào.
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi thành lập, hai đoàn lên đường. Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đến từ hai hướng: Một bộ phận nhỏ tách ra từ đoàn đàm phán tại hội nghị Paris do Đại tá Lưu Văn Lợi phụ trách; bộ phận chủ yếu từ Hà Nội vào do Thiếu tướng, Trưởng đoàn Lê Quang Hòa dẫn đầu. Riêng đoàn của Thiếu tướng Hòa bay từ Hà Nội vào bằng máy bay C130 hiện đại nhất của Mỹ.
Đại tá Đào Chí Công khẳng định, có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc một cuộc hành quân thần tốc đi vào lòng địch để thực hiện sứ mệnh hòa bình bằng chính phương tiện của địch.
Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời đến từ ba hướng: Một bộ phận nhỏ từ Paris về, do Đại tá Đặng Văn Thu phụ trách; một bộ phận từ Hà Nội vào, do Đại tá Võ Đông Giang phụ trách; bộ phận chủ yếu từ Lộc Ninh ra, do Trung tướng, Trưởng đoàn Trần Văn Trà dẫn đầu.
Từ ngày 28/1/1973, các nhóm thuộc đoàn A và đoàn B lần lượt đến sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đoàn tiền trạm ta từ Hà Nội vừa hạ cánh thì bị quân cảnh của Mỹ và tay sai chặn ngay cửa máy bay, yêu cầu phải làm thủ tục nhập cảnh. Cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt diễn ra ngay khi đoàn xuống máy bay kéo dài từ chiều 28 đến chiều 29/1 buộc Mỹ và tay sai phải bỏ yêu cầu vô lý này”, ông Công kể lại.
Còn từ phía do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn đi từ Lộc Ninh cũng gặp khó khăn không kém khi theo thỏa thuận Mỹ đưa trực thăng tới sân bay Thiện Ngôn (Bắc Tây Ninh) để đón. Tới giờ hẹn, xuất hiện hai chiếc máy bay lượn vòng rồi trút hàng loạt bom xuống điểm đón đoàn. Nhờ cảnh giác, phía ta không thiệt hại gì…
Sau những lần như vậy, phía ta đã kịch liệt lên án hành động này của Mỹ buộc phải nhượng bộ, cam kết đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển phái đoàn ta vào Trại Davis. Đến ngày 29-30/1, toàn bộ các đoàn của ta đều quy tụ tại Sài Gòn.
Trại Davis nằm trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), diện tích khoảng 33.000m2, có một số nhà chuyên dụng và 45 nhà ở kiểu nhà sàn gỗ, mái lợp phibroximăng. Hai phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hòa có mặt từ cuối tháng 1/1973.
Hiệp định Paris chỉ nêu về việc thành lập Ban liên hợp quân sự chứ không nêu cụ thể thi hành hiệp định ra sao. Ngay khi bốn đoàn gặp mặt đã xảy ra tranh luận là thành lập tiểu ban gì, mấy ngày mới thống nhất được gồm tiểu ban Quân sự, tiểu ban Trao trả, tiểu ban Thủ tục, tiểu ban Triển khai.
Đại tá Công cho biết thêm, đến việc thỏa thuận lấy màu sắc gì cho lá cờ của Ban liên hợp quân sự cũng có sự đấu tranh, hay việc tập kết quân Mỹ ở Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay Nha Trang cũng gay gắt, rồi còn nhiều quy định khác tạo ra sự tranh luận.
Theo điều khoản Hiệp định Paris thì việc thực thi chấm dứt chiến sự và rút quân diễn ra trong 60 ngày nhưng thực tế chỉ riêng việc thỏa thuận các thủ tục đã kéo dài tới cả chục ngày.
Ông Phan Đức Thắng, nguyên sĩ quan phiên dịch của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì nhớ mãi về cuộc họp báo sáng 26/4/1975 với khoảng 200 người đến dự.
Đại tá, Phó trưởng đoàn Võ Đông Giang công bố bản Tuyên bố chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đưa ra các điều kiện để mở đàm phán, trong đó có 9 điều kiện với Mỹ và 7 điều kiện với chính quyền Sài Gòn. Thực tế, Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời là “tối hậu thư” buộc Mỹ phải chấm dứt can thiệp và buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Cuộc họp báo chứng tỏ thế đứng vững vàng của cách mạng trước dư luận quốc tế và dư luận ở miền Nam, thế đứng của người chiến thắng.
Phối hợp đấu tranh đòi Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, hai đoàn đại biểu quân sự ta tại Ban liên hợp quân sự rất coi trọng cuộc đấu tranh dư luận. Sài Gòn có 77 cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, trong đó có hơn 20 cơ quan báo chí Mỹ và hơn 500 nhà báo nước ngoài. Hai phái đoàn ta tại trại Davis đã giữ quan hệ, duy trì các cuộc tiếp xúc và trả lời phỏng vấn với phóng viên nước ngoài. Trại Davis đúng nghĩa là “điểm nóng” thông tin của thế giới.
Trải qua 823 ngày đêm tại Trại Davis (từ 28/1/1973 đến 30/4/1975), phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao quân sự, đấu tranh bảo đảm việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam.
- Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch” như nhận xét trong cuốn“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tư lệnh pháo binh là người xuất hiện sớm nhất ở trại Davis vào ngày 30/4. Khi ông hỏi có ai bị thương, hy sinh không, trưởng đoàn là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn báo cáo không có ai, dù trước đó có 2 người hy sinh.
Trải qua 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt địch, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.