Những người trên là đại diện theo pháp luật của các công ty đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trong số 57 quyết định này, có 2 đơn vị hoàn thành nghĩa vụ tiền thuế nợ. Do đó, cơ quan thuế đã đề nghị chấm dứt tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện của công ty gồm: Công ty TNHH Hiệu Bảy (địa chỉ tại huyện Tuyên Hóa) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển VHC (ở TP Đồng Hới).
Đến nay, vẫn còn 55 người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, như ông H. M. Ng, đại diện Công ty Cổ phần Viet Group; H. Ng. L, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Trường Sơn, ông Đ. V. Đ, Công ty TNHH xây dựng Minh Tiến; Ph. V. Th, Công ty CP tập đoàn Tân Châu Phát...
Những trường hợp trên bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày ra quyết định đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Sau khi rà soát các đơn vị cưỡng chế hóa đơn và phát hiện yếu tố rủi ro, cơ quan thuế sẽ có văn bản đề nghị cấm xuất cảnh gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Từ tháng 3 đến nay, chúng tôi đã có văn bản đề nghị cấm xuất cảnh đối với 57 trường hợp (2 trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế)".
Theo ông Thuận, việc gửi văn bản đề nghị cấm xuất cảnh không phụ thuộc vào nợ ít hay nhiều của các đơn vị. Có những đơn vị nợ lớn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, rủi ro thấp có thể không bị đề nghị cấm xuất cảnh. Ngược lại, có những đơn vị nợ ít hơn, nhưng nếu phát hiện thấy có yếu tố rủi ro, Cục Thuế tỉnh sẽ đề nghị tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật.
Tổng nợ thuế của các doanh nghiệp ở Quảng Bình tính đến ngày 31/5 là hơn 3.245 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/4 (hơn 3.046 tỷ đồng). Số tiền này chủ yếu do phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày.