- Không có dấu hiệu "kinh điển" trong y văn, mọi chẩn đoán đều dẫn đến viêm phổi thông thường. Sau 9 ngày, bệnh nhi mới được xác định bị viêm màng não mủ khi bệnh đã diễn tiến nặng. Sau 55 ngày nỗ lực giành giật sự sống, cháu bé được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi mắc viêm màng não mủ hết sức hy hữu.
Bệnh nhi là Đồng Quốc Việt, 8 tháng tuổi (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định). Ngày 16/6, cháu Việt có biểu hiện sốt, ho, tiêu chảy được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu với chẩn đoán viêm phổi. Bệnh nhi được điều trị kháng sinh 3 ngày rồi về nhà nhưng không đỡ.
Đến ngày 25/6, cháu Việt tiếp tục được gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt 39 độ, ho có đờm, tiêu chảy, nôn, phổi có rít ran, khám màng não không xác định được bệnh cảnh rõ ràng.
Do tự nhập viện không có giấy chuyển tuyến nên các bác sĩ không xác định được bệnh nhi đã điều trị kháng sinh nào. Dựa theo biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ tại Bạch Mai tiếp tục cho cháu Việt điều trị theo phác đồ viêm phổi.
Bệnh nhi hồi phục diệu kỳ sau hơn 7 tuần điều trị trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình, bác sĩ. Ảnh: T.Hạnh |
"Tuy nhiên 9 ngày trôi qua vẫn không thấy tiến triển. Chúng tôi thấy bệnh nhi khó thở nhẹ không tương xứng với tình trạng mệt mỏi nên nghi ngờ viêm màng não mủ", PGS Dũng nói.
Kết quả, khi chọc dịch não tủy, phát hiện bệnh nhi đã bị viêm màng não mủ nặng, protein tăng lên 4,3, trong khi người bình thường chỉ 0,4.
Theo PGS Dũng, việc chẩn đoán viêm màng não mủ ở trẻ dưới 1 tuổi gặp nhiều khó khăn, có nhiều dấu hiệu dễ đánh "lạc hướng" sang viêm phổi, vì viêm phổi cũng có thể biến chứng viêm màng não.
Với trường hợp cháu Việt, cả 3 dấu hiệu thông thường của viêm màng não mủ như như đau đầu, táo bón, gáy cứng đều không có. Thêm nữa trước khi nhập viện, bệnh nhi đã được dùng kháng sinh, làm mất triệu chứng, dẫn đến khó chẩn đoán.
Có kết quả, các bác sĩ lập tức tập trung dùng kháng sinh đặc biệt với liều cao gấp đôi bình thường để có thể ngấm được vào màng não đồng thời áp dụng truyền tĩnh mạch kéo dài...
Theo PGS Dũng, trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhi đã nhiều lần có nguy cơ tử vong vì sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên sau hơn 7 tuần điều trị (thông thường là 2-3 tuần), sức khỏe cháu bé đã ổn định, phục hồi diệu kỳ và điều đặc biệt, không để lại bất kỳ di chứng nào.
Ngày 18/8, cháu Việt đã được làm thủ tục xuất viện.
Theo y văn thế giới, với viêm màng não mũ, nếu chẩn đoán trước 3 ngày từ khi có biểu hiện, đại bộ phận sẽ chữa khỏi. Chẩn đoán giai đoạn từ 4-7 ngày có nguy cơ để lại di chứng cao. Còn trường hợp sau 7 ngày là chắc chắn có di chứng. Trường hợp bệnh nhi Việt chẩn đoán khi đang ở ngày thứ 9, tức rất nặng nhưng lại không để lại di chứng. Đây là điều hết sức hy hữu.
"Hiện vẫn đang là thời điểm cao điểm của viêm màng não. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý các dấu hiệu của trẻ. Nếu có các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, sốt cao trên 39 đô, nước mũi chảy, ho, đau đầu liên tục... thì cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự ý điều trị vì có thể làm giảm hoặc mất triệu chứng của bệnh", PGS Dũng khuyến cáo.
T.Hạnh