Là tiểu thương kinh doanh tại chợ ở Linh Đàm (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Ngọc luôn ý thức tuân thủ các biện pháp chống dịch Covid-19. Do buôn bán phải tiếp xúc với nhiều người, bà luôn đeo khẩu trang, khu vực bán hàng luôn có dung dịch sát khuẩn và đảm bảo khoảng cách, không tiếp xúc đông người. Bên cạnh việc chủ động phòng chống dịch cho gia đình, bà Ngọc còn trang bị rất nhiều khẩu trang y tế để tặng miễn phí cho khách hàng đến mua hàng khi có nhu cầu. 

Bà cho hay: “Sức khoẻ luôn là vấn đề quan trọng. Tôi luôn chấp hành theo các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng về phòng chống dịch và kêu gọi bà con kinh doanh, người mua hàng thực hiện nghiêm. Chính vì thế, tôi và gia đình vẫn an tâm để buôn bán vượt qua khó khăn”. 

Trước tác động của dịch bệnh, hầu hết tiểu thương tại các chợ truyền thống đang gặp khó khăn. Thực hiện nghiêm quy tắc 5K là giải pháp chung sống an toàn với dịch bệnh và đảm bảo kinh doanh sản xuất.

Để chủ động phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế đã chính thức khuyến cáo thông điệp 5K với những nội dung, việc làm cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ để kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện chung sống an toàn với đại dịch.

{keywords}
‘5K + vắc xin’ giải pháp để vượt qua đại dịch 

Bên cạnh 5K, chiến lược tiêm vắc xin cũng được triển khai mạnh mẽ. Ngay đầu tháng 7, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu cuối năm 2021 tiêm tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên và phủ được 70% vào tháng 4/2022 để đạt miễn dịch cộng đồng. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch được triển khai ngay từ tháng 7 này với khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 được tiếp nhận. Hơn 18.000 điểm tiêm trên cả nước bao gồm tiêm chủng lưu động sẽ triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. 

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khó dự báo và lường trước được, đặc biệt khi có sự xuất hiện của biến chủng Delta, vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, căn cơ hơn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Để có nguồn vắc xin, Việt Nam đã đã có nhiều biện pháp được triển khai như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm và Việt Nam thực hiện chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên vắc xin, song Việt Nam đã đàm phán, tiến hành nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu vắc xin trong nước cũng đang đạt được kết quả tích cực và tiềm năng.

Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ vắc xin, tính đến ngày 9/7 đã có được 8.000 tỉ đồng ủng hộ vào quỹ.

Vượt qua khó khăn

Theo đánh giá, giải pháp 5K và chiến lược vắc xin là hai phương tiện giúp Việt Nam ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.  Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm các nước ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đạt hiệu quả cao. Một trong những lý do là Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly nhanh chóng, hiệu quả: Từ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, khoanh vùng, giãn cách ở các khu vực bùng phát dịch đến truy vết tốt giúp giảm thiểu sự lây lan, cùng sự tin tưởng, tuân thủ tương đối tốt của người dân.

Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam bày tỏ đồng tình với chiến lược vắc xin của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách của Việt Nam còn hạn chế, sáng kiến thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại làn sóng thứ tư của đại dịch. Việc kết hợp nguồn lực khu vực Nhà nước và tư nhân sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược tiêm chủng mở rộng cho người dân.

Ông Alain Cany phân tích, một khi lượng lớn dân số được tiêm vaccine, các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ bớt, khi đó có thể mở lại các trường học, các hoạt động kinh doanh buôn bán, mở lại biên giới cho du lịch nước ngoài và thương mại quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của AZA Travel cho biết, ngành du lịch là ngành đầu tiên chịu thiệt hạt nặng nề do dịch Covid- 19, do đó hơn ai hết những người làm du lịch mong muốn dịch sớm kết thúc. Thực tiễn trên thế giới đã chỉ ra rằng bên cạnh giải pháp 5K thì cần phải được phổ cập vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, những doanh nghiệp du lịch bằng nguồn lực của mình tùy khả năng của công ty có thể tham gia đóng góp vào quỹ vắc xin.

“Việc tiêm vắc xin còn đặc biệt có ý nghĩa đối với người làm du lịch, bởi những người làm du lịch là đối tượng phải tiếp xúc với nhiều người, do đó khi được tiêm vắc xin sẽ có tác dụng được bảo vệ tốt hơn” ông Đạt chia sẻ.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện tốt thông điệp “vắc xin + 5K”, sử dụng thật hiệu quả nguồn vắc xin đồng thời duy trì ý thức phòng ngừa cao ở mỗi người và cả cộng đồng sẽ tiếp tục là chiến lược căn bản, lâu dài để triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.  

Chính nhờ những biện pháp này mà báo chí quốc tế đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch. Trang tin Business Insider của Mỹ đăng bài viết đánh giá cao hiệu quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo kết quả từ  viện Lowy (Australia), Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ về hiệu quả chống dịch.  Ông Guy Thwaites - Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cũng khẳng định, chính phủ Việt Nam đã phản ứng “rất nhanh chóng và mạnh mẽ” trước đại dịch.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy