Người dân chung tay chế xe chuyên chở
Hơn 1 tuần kể từ ngày nước lũ tràn qua đê sông Bùi, nhiều hộ dân ở xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn phải di tản. Nhiều gia đình sống trong cảnh ngập lụt, phải lội đường, chèo thuyền vào nhà.
Việc đi lại, mua bán đồ ăn thức uống đối với bà con vùng lụt cũng hết sức khó khăn. Chính quyền thôn, xã cũng thành lập đội xung kích, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con mua bán, vận chuyển đồ ăn thức uống.
Anh Bùi Ngọc Bình – Trưởng thôn Nam Hài cho biết, từ khi nước bắt đầu ngập, cả thôn đồng lòng, chung sức, hỗ trợ bà con vận chuyển đồ dùng thiết yếu trong nhà lên nơi cao. Đội xung kích của thôn, xã gồm 30 người cũng hết lòng hỗ trợ bà con.
Hơn 1 tuần nay, anh Bình và nhiều người không ngủ ở nhà mà luôn túc trực tại trụ sở xã, ứng cứu bất cứ lúc nào.
“Bữa trưa, các anh em ăn tạm gói mỳ, uống tạm chai nước rồi lại tiếp tục công việc. Đội xung kích gồm 30 người thay nhau làm việc, vận chuyển mỳ tôm, nước uống giúp bà con.
Gia đình tôi cũng góp một đầu máy cày, nhờ các anh em có chuyên môn trong thôn tự chế, nối vào phần đuôi xe công nông, tạo thành chiếc xe chuyên dụng cho bà con trong thôn sử dụng.
Một vài người thay phiên nhau ra lái, chở những người dân có nhu cầu ra vào vùng ngập sâu”, anh Bình chia sẻ và cho biết, xăng xe cũng do gia đình anh bỏ chi phí.
Cứ 15 phút một chuyến, xe liên tục đón bà con từ điểm đầu ngõ vào thôn đến UBND xã cũ. Ai ở trong ngõ sâu phải chèo thuyền hoặc tự lội vào trong.
Thức đến đêm chờ người gửi xe miễn phí
Nhà bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1961) có khoảng sân khá rộng ngay sát lối vào thôn Nam Hài. Những người dân ra vào thôn chỉ đi xe máy được đến khu vực gần nhà bà rồi gửi xe, chờ thuyền, xe chuyên dụng ra đón.
Sẵn có sân rộng lại thấy nhiều người không có chỗ để xe, ông bà bàn nhau mở cổng để mọi người cho xe vào trong sân gửi miễn phí. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc xe để chật cứng sân nhà bà. Nhiều người đi làm ca về muộn tận 1h, vợ chồng bà vẫn ngồi chờ cho người ta gửi. Ông bà vừa nằm được một lúc, 4h lại có người gọi xin lấy xe.
“Vì là người ở gần đây, cũng biết nhau cả nên lúc bà con gặp khó khăn, tôi sẵn sàng giúp sức. Góp phần công sức hỗ trợ bà con lúc này tôi cũng thấy vui”, bà Xuân nói.
Bà kể, có hôm mưa, chồng bà phải mặc áo mưa ra xếp xe cho gọn gàng vì nhiều người để không có hàng lối, xe trong khó lấy. Dù xe nào vào, bà cũng dặn không được khóa cổ nhưng nhiều người vẫn quên khiến việc di chuyển hết sức khó khăn.
“Có người bảo tôi sao trông nhiều xe thế, lại không lấy tiền. Họ nói tôi vất vả cả ngày, sáng tối dậy mở cửa cho người ta vào, còn mời nước, cho đi vệ sinh nhờ nhưng mà không công cán thì thiệt quá, tôi chỉ cười xua tay.
Lúc bà con khó khăn mà mình lấy vài nghìn thì có phải mình quá tủn mủn không? 3-5 nghìn đồng không lớn nhưng nó là cái nghĩa cái tình”, bà Xuân chia sẻ.
Người tốt sẽ nhận được những điều tốt đẹp, bà Xuân luôn tâm niệm như vậy. Thế nên có hôm, một vị khách gửi xe biếu bà quả dưa, rồi bảo bà bổ cho các cháu ăn.
“Tôi cứ chối không nhận, nhưng cậu ấy nhiệt tình quá làm tôi ngại. Cậu ấy còn bảo tôi vất vả trông xe đêm ngày, không công cán nên đó là tấm lòng thay lời cảm ơn khiến tôi cũng cảm thấy ấm áp”, bà xúc động.
Không chỉ anh Bình, bà Xuân mà còn rất nhiều người dân trong thôn luôn đồng lòng chung sức, giúp đỡ bà con vùng ngập lụt.
Anh Hà, một trong những thành viên của đội xung kích tạm thời xin nghỉ việc ở Hà Nội để về quê giúp gia đình và những người dân trong vùng ngập. Anh thường xuyên theo xe, hỗ trợ chuyển đồ ăn thức uống, đồ dùng cá nhân của bà con, đi qua những khu vực ngập để xem xét tình hình của những người còn ở lại.
“Là người trong thôn lại còn trẻ tuổi, có sức khỏe, tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con vượt qua cơn khó khăn. Tôi xin nghỉ việc không lương ít ngày. Biết hoàn cảnh của thôn, nên quản lý cũng tạo điều kiện”, anh chia sẻ.
Lúc khó khăn, con người xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ nhau nhiều hơn để thấy rằng, trong nguy khó luôn có tình làng nghĩa xóm.
Ảnh: Tú Linh - Thanh Minh