5 nhiệm vụ, 3 đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá.
5 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII; nâng cao năng lực lãnh đạo của toàn Đảng bộ, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động, thu hút, quản lý và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế hiện đại, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, giàu bản sắc, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường;
Xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, hun đúc ý chí, bồi đắp khát vọng và nuôi dưỡng các giá trị nhân văn. Phát triển và quản lý xã hội kỷ cương, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các mặt. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân;
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
3 đột phá gồm:
Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Trước mắt, quy hoạch để phát triển một khu công nghiệp công nghệ cao, hướng tới xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh. Tăng cường phân cấp, phân quyền; giao nguồn lực, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm;
Đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Nâng cao rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội.
Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Đề bạt, sử dụng người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiên quyết điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua môi trường thực tiễn. Phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm, khát vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Từ văn bản đến thực tiễn
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cụ thể là 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá.
Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tiến hành thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp song tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt khá và nằm trong top 10 của cả nước.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong những tháng đầu năm gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Khi tình hình dịch cơ bản ổn định, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa phương.
Hoàn thiện chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực; khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.
Tỉnh cũng chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình sản xuất an toàn, bền vững (VietGAP, hữu cơ…) nâng cao chất lượng sản phẩm. Mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao... Hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp (chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp…), thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các ngành sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy, linh kiện điện tử, các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp mũi nhọn. Năm 2021, 2022, tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường thu hút các dự án sản xuất điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Tập trung phát triển dịch vụ, thương mại theo hướng xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị văn minh, hiện đại cùng với nâng cấp hệ thống chợ truyền thống (đã hình thành chợ đầu mối tại Thị trấn Thổ tang, huyện Vĩnh Tường, góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ tại khu vực).
Khuyến khích đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân, trung tâm logistic, các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học…
Xây dựng và triển khai bài bản các quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch. Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm du lịch; thu hút các nhà đầu tư lớn vào đầu tư du lịch tại các địa điểm có lợi thế phát triển.
Tỉnh cũng đã từng bước khắc phục các điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đã phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố.
Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Xây dựng và triển khai thí điểm Đề án Bác sỹ gia đình trên địa bàn tỉnh. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở, nhất là tuyến xã.
Ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới y tế, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân. Đến năm 2025, phấn đấu đạt 100% số dân được theo dõi, quản lý sức khoẻ.
Quỳnh Nga