Kể từ năm 2018, Facebook từ một ông hoàng mạng xã hội vũng mạnh đã dần gặp phải những scandal lớn nhất lịch sử từ trước tới nay, trải dài liên miên chưa chắc đã có hồi kết. Cũng bởi lý do đó, nhiều người từng là lãnh đạo cấp cao, thân cận của "tổng lãnh" Mark Zuckerberg đã bất ngờ quay lưng 180 độ vì nhiều lý do khác nhau. Từng người rời bỏ đi như những nhát dao đau điếng đâm vào nội bộ Facebook, để lại vết thương khó xoá nhoà.
Gần đây nhất, chính đồng sáng lập Facebook năm xưa - Chris Hughes - cũng đã rời bỏ đứa con tinh thần của mình, thậm chí còn kêu gọi mọi người không nên ủng hộ Mark Zuckerberg tiếp tục điều hành Facebook. Ngoài ông ra, vẫn còn... nửa tá gương mặt cộm cán khác cũng lạnh lùng quay lưng bỏ đi và làm điều tương tự. Cùng khám phá xem danh sách này gồm những ai, và lý do gì khiến họ quyết định dứt áo ra đi như vậy nhé.
1. Chris Hughes
Dù đã nhắc tới bên trên nhưng vì tai tiếng mới nhất nên chúng ta vẫn cần "giảng" lại một chút cho chi tiết và dễ hiểu hơn. Hughes vốn là sinh viên cùng lớp với Mark Zuckerberg tại Harvard, đống góp công lớn trong việc khởi đầu và xây dựng Facebook. Hughes đóng vai trò là đại diện phát ngôn đầu tiên cho công ty, sau đó chuyển sang làm cho mảng sản phẩm. Năm 2007, Hughes rời Facebook để đi theo dự định riêng của mình.
Chris Hughes (phải) từng là bạn học của Mark Zuckerberg.
Bẵng đi hơn 10 năm, Hughes đã bất ngờ công khai bày tỏ quan điểm khi cho rằng Facebook nay đã trở thành một thế lực quá lớn cho Mark Zuckerberg để có thể nắm quyền tối thượng mãi mãi. Hughes đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chia tách Facebook thành các mảng nhỏ hơn và riêng biệt, không cho phép cả Facebook, Instagram và WhatsApp cứ mãi chung một nhà như vậy.
Người bạn cũ của Mark Zuckerberg này cũng vài lần chỉ trích khá mạnh mẽ về anh: "Mark là một người tốt bụng, nhưng tôi không thể chịu được việc anh ấy để tham vọng của mình vượt quá tầm mắt, đánh đổi sự bảo mật và quyền lợi người dùng. Thật đáng thất vọng cho đội ngũ Facebook thời đầu sáng lập và cả chính tôi nữa..."
2. Brian Acton
Brian Acton trước là đồng sáng lập của WhatsApp, nhưng sau đã được Facebook thâu tóm toàn bộ công ty và về làm việc dưới trướng Mark Zuckerberg. Năm 2017, Acton rời công ty.
6 tháng sau thời điểm đó, Facebook vướng phái scandal lớn nhất lịch sử vào tháng 3/2018. Khi ấy, Acton đã đăng dòng tweet cùng hashtag #deletefacebook theo trend của nhiều người dùng đang thất vọng và tẩy chay Facebook lúc bấy giờ. Không lâu sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Acton cũng để lộ một số sự thật bất ngờ: Ông quyết ra đi vì Facebook muốn dùng WhatsApp làm công cụ kiếm tiền nhờ quảng cáo và các hình thức tương tác người dùng khác, kể cả phải theo dõi họ.
3. Sean Parker
Parker là CEO (không chính thức) đầu tiên của Facebook, có tài thuyết phục đối với nhiều người trong ban lãnh đạo đời đầu của công ty. Ông tự nhận mình là một nhân tố quan trọng trên con đường phát triển của Facebook, mong muốn mạng xã hội này sẽ trở thành một món ăn gây nghiện mới cho thế giới.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Parker dính đến một vài nghi vấn tàng trữ ma tuý khi bị cảnh sát phát hiện tang vật trong một căn nhà thuê để nghỉ mát tại Bắc Carolina (Mỹ). Dù không bị buộc tội nhưng sau cùng, nội bộ Facebook đã quyết định "đá" Parker khỏi ghế ngồi vì tai tiếng này.
4. Roger McNamee
McNamee là một nhà đầu tư lớn của Facebook từ thời kỳ phát triển đầu tiên, nổi tiếng với nhiều lời khuyên hữu ích cho chính Mark Zuckerberg và những bước đường thành công của anh.
Tuy vậy, năm 2016, ông bất ngờ trở nên gay gắt khi cho biết rằng Mark Zuckerberg đã lờ đi những lời cảnh báo và dự cảm không lành của mình về các vấn đề nhạy cảm liên quan tới thông tin lưu hành trên Facebook về cuộc bầu cử năm đó. McNamee chỉ trích CEO Facebook vì anh chỉ biết tung hô danh tiếng ở vẻ bề ngoài mà không đủ khả năng chèo lái áp lực. "Zuck luôn bị tham vọng thành công của Facebook dẫn dắt tới nỗi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được nó. Thế nhưng, mỗi lần gặp scandal, đội ngũ của công ty luôn xử lý theo một cách cố định mà chẳng cải thiện tí gì cả," trích lời McNamee.
5. Chamath Palihapitiya
Palihapitiya đứng trong hàng ngũ Facebook từ năm 2007, là một người trông coi và tham gia gây dựng đội ngũ nền móng đầu tiên cho công ty. Năm 2011, Palihapitiya rời đi để tạo lập hãng đầu tư của riêng mình.
Điều khiến nhiều người bất ngờ sau đó là việc Palihapitiya thừa nhận ông cảm thấy "tội lỗi ghê gớm" vì đã tham gia vào gây dựng Facebook trong một buổi nói chuyện tại đại học Stanford. "Chúng tôi đã tạo ra những công cụ góp phần bóp méo giá trị và cách hoạt động chung của xã hội, nhất là những yếu tố gây nghiện và cuốn hút người dùng..."
6. Justin Rosenstein
Rosenstein là một trong những kỹ sư máy tính và lập trình viên đầu tiên của Facebook, góp công lớn tạo nên biểu tượng "Like" huyền thoại chúng ta đang dùng.
Cũng giống như Palihapitiya, Rosenstein cho rằng mình đã chung tay nhúng chàm và tạo ra một thứ gây nghiện khủng khiếp núp bóng mạng xã hội. Anh hoàn toàn nghiêm túc về quan điểm này, tới nỗi bắt trợ lý riêng của mình không dùng bất cứ mạng xã hội nào trên điện thoại.
7. Alex Stamos
Stamos từng là Giám đốc Bảo mật của Facebook, đảm nhận những vai trò lớn nhất trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng và chính công ty khỏi các cuộc tấn công an ninh mạng. Tháng 8 năm 2018, Stamos rời đi sau 3 năm giữ chức.
Stamos có chung quan điểm với nhiều người về tầm ảnh hưởng quá sâu rộng của Mark Zuckerberg tại Facebook hiện tại. Ông cho rằng cần có một CEO mới lên thay và mọi thứ phải được hiệu chỉnh lại cho cân bằng, không để nghiêng quyền lực quá lớn về một ai như Mark Zuckerberg hiện tại.