Sự phát triển của ngành viễn thông - công nghệ thông tin mang lại nhiều giá trị tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quản lý, điều hành đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng thời nâng cao đời sống, văn hóa và kinh tế của người dân. Tuy nhiên, song song với sự phát triển cũng tồn tại một số vấn đề hạn chế cần phải quan tâm giải quyết, một trong số đó là sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. 

voice brandname Bo TTTT.jpg
Nếu cơ quan Nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan Nhà nước trên máy điện thoại di động. Ảnh: NM

Mặc dù, lực lượng Công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam. Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, thời gian qua các đối tượng phạm tội thường sử dụng thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp, cơ quan Nhà nước để gọi điện cho người bị hại và yêu cầu làm theo hướng dẫn của chúng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của thuê bao viễn thông. 

Phát biểu trả lời chất vấn của đại biểu, cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 23/5/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh giải pháp: “Đối tượng lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước. Bộ TT&TT chỉ đạo nhà mạng đầu tư công nghệ, nếu cơ quan Nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan Nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Nếu nhận được cuộc gọi ở thiết bị điện thoại không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác định là đại diện cơ quan Nhà nước”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc định danh cuộc gọi (Voice Brandname) đối với các số điện thoại di động của cơ quan Nhà nước gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đăng ký số điện thoại định danh của các cơ quan liên quan, hiện có 732 số điện thoại di động được các cơ quan Nhà nước sử dụng để liên lạc trực tiếp với cơ quan, tổ chức và nhân dân phục vụ mục đích giải quyết công việc chuyên môn của mình. 

Như vậy, thuê bao của các mạng di động Viettel, Vinaphone, Mobifone, GtelMobile và các mạng di động ảo Itel, Mobicast, Local, VNSky, FPT khi nhận cuộc gọi từ cơ quan Nhà nước sẽ nhìn thấy tên định danh (thay vì số điện thoại cụ thể) tương ứng của 1 trong 732 số điện thoại nêu trên. Các cuộc gọi đến hiển thị số chủ gọi (là số điện thoại có độ dài 10 chữ số, bắt đầu bằng các số 03, 05, 07, 08, 09) mà xưng danh là cơ quan Nhà nước gọi điện, liên hệ đều là các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo, đề nghị người dân đề cao cảnh giác, tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm.

Bộ TT&TT đang tiếp tục triển khai định danh cuộc gọi đối với các số điện thoại cố định đã được các cơ quan Nhà nước đăng ký. Việc định danh cuộc gọi đối với các số điện thoại cố định đòi hỏi sự chuyển đổi từ công nghệ cũ (PTSN) sang công nghệ mới (IP) cũng như cần phải nâng cấp thiết bị, đường truyền dẫn nên phải căn cứ năng lực hệ thống, thiết bị cũng như nhu cầu của từng cơ quan Nhà nước. Do đó, công tác triển khai định danh cuộc gọi cố định cần thời gian để các doanh nghiệp viễn thông liên hệ tư vấn, thiết kế giải pháp và thực hiện thủ tục pháp lý liên quan với từng đơn vị.

Bộ TT&TT cũng lưu ý, hiện các thuê bao điện thoại cố định sử dụng thiết bị đầu cuối có màn hình và thuê bao di động mạng Vietnamobile không có khả năng nhận dạng cuộc gọi theo cách nêu trên.