Một giấy báo nhập học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ cách đây 30 năm đang được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của không chỉ những người cùng thời mà còn cả những thí sinh vừa nhận tin trúng tuyển đại học năm nay.

Giấy báo nhập học đại học hơn 30 năm trước. Ảnh: Phạm Huyền.

Tờ giấy báo nhập học này khác biệt nhiều so với giấy báo nhập học bây giờ ở chất liệu giấy. Giấy báo nhập học thuở đó cũng được in kim (máy in kim hay còn được gọi là máy in ma trận chấm là loại máy in sử dụng đầu kim để in, khi đó các kim này sẽ được chấm qua mực in sau đó chấm lên trên bề mặt giấy để in thông tin), chứ không phải in laser hay in phun.

Xem giấy báo nhập học, nhiều người sống lại những ký ức về năm tháng mà giá trị đồng tiền, vật chất khác xa với hiện tại.

Mỗi sinh viên tới trường phải tự túc ăn 2 tháng (mỗi tháng 50 nghìn đồng), 20 nghìn đồng nộp cho ký túc xá nếu ở nội trú và 15 nghìn đồng để nộp cho thư viện, khám sức khỏe, thẻ sinh viên và các thủ tục khác" - một cựu sinh viên Bách khoa chia sẻ.

"Anh (chị) nếu không được học bổng, phải nộp chi phí đào tạo mỗi tháng là 25 nghìn đồng. Sau một năm học, nếu đạt kết quả cao sẽ được xét cấp học bổng” - đây là những khoản tiền mà thế hệ sinh viên ở giai đoạn đó phải trang trải cho những tháng năm học đại học...

Giấy báo trúng tuyển đại học ngày nay.

Nhiều người cũng nể phục khả năng lưu trữ tư liệu, tài liệu cũ của chủ nhân khi sau hơn 30 năm mà tờ giấy báo nhập học trông vẫn như mới.

Chủ nhân của giấy báo nhập học có “tuổi đời” 31 năm này là chị Phạm Thanh Huyền (sống tại Hà Nội), hiện là giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chia với VietNamNet, chị Huyền cho hay chị lưu giữ giấy báo trúng tuyển đại học này đơn giản chỉ là thói quen cá nhân. Hiện nay, chị vẫn lưu cả hồ sơ sinh viên và áo tốt nghiệp đại học.

“Khóa 36 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội của chúng tôi những ai lọt top 20 tốt nghiệp sẽ được tặng áo tốt nghiệp xuất sắc. Hồi đó, chỉ có 20 bạn được mặc áo, đội mũ chứ không phải như bây giờ mọi sinh viên đều mặc. Sau đó, chúng tôi cũng được tặng luôn áo, mũ và lưu giữ đến tận ngày hôm nay” - chị Huyền kể.