Mảnh ghép quan trọng để hình thành công dân số
Hội thảo chuyên đề “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử” được Trung tâm Chứng thực điện tử Việt Nam (NEAC), Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia lần lượt là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều không thể thực hiện được nếu thiếu công dân số.
Để hình thành được công dân số, xã hội số cần có 8 yếu tố đặc trưng cơ bản gồm: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản, có kỹ năng số ở mức cơ bản để sử dụng dịch vụ trên môi trường số và cuối cùng là có một chữ ký số cá nhân. “Chữ ký số cá nhân là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện một phiên bản cơ bản của công dân số trên môi trường mạng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chữ ký số là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, để tăng tính đảm bảo tin cậy trong giao dịch trực tuyến đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử. Chữ ký số tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ. Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân trên mạng.
Một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phổ cập chữ ký số cá nhân tới mọi người dân Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng rằng những chia sẻ của các diễn giả, đặc biệt là các kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ các chuyên gia Hàn Quốc tại hội thảo, sẽ giúp thúc đẩy chữ ký số cá nhân tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện các giao dịch điện tử. Và chữ ký điện tử chính là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện giao dịch điện tử.
Ông Cho, Sung Jig, Trưởng đại diện Cơ quan An toàn Internet Hàn Quốc (KISA) tại Việt Nam cũng mong rằng thời gian tới, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tăng cường môi trường Internet an toàn và thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy, với việc chữ ký số cá nhân được sử dụng phổ biến.
Mới chỉ 5% khách hàng các ngân hàng đang dùng chữ ký số
Trong khuôn khổ hội thảo, bên cạnh những chia sẻ của các chuyên gia Hàn Quốc về thực trạng sử dụng chữ ký số cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng, những dịch vụ mới được các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ số (CA) công cộng và kinh nghiệm liên thông giữa các CA công cộng, các chuyên gia công nghệ, ngân hàng của Việt Nam cũng đã trao đổi về câu chuyện ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam.
Giới thiệu về chữ ký số, chữ ký điện tử đảm bảo an toàn trong Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, ông Đồng Ngọc Ba, Uỷ viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử an toàn, biện pháp, tiêu chuẩn bảo đảm chữ ký điện tử an toàn. Đây là cơ sở để ứng dụng đa dạng chữ ký điện tử, thiết lập giao dịch điện tử an toàn, gia tăng niềm tin với người dùng, cơ quan, tổ chức khi tiến hành giao dịch trên môi trường điện tử.
Tuy vậy, ở góc độ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra rằng, hiện hầu hết chữ ký số mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi đến với khách hàng cá nhân - vốn chiếm đa số trong các giao dịch của ngành ngân hàng. “Theo báo cáo sơ bộ của các ngân hàng thì chỉ ghi nhận 5% tổng số khách hàng giao dịch đã có và đang sử dụng chữ ký số”, ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến việc mới chỉ 5% khách hàng của ngân hàng sử dụng chữ ký số như: Chi phí cho chữ ký số cá nhân vẫn còn khá cao; ngân hàng cũng cần chi phí đầu tư để tích hợp hệ thống, chi phí hạ tầng cho các nền tảng ký số, xác thực chữ ký số; nhiều khách hàng vẫn chưa quen với việc ký số, quan ngại về giá trị pháp lý của chữ ký số...
Trên cơ sở phân tích thực trạng cùng những thách thức trong triển khai các giải pháp xác thực điện tử, ông Hoàng Minh Tiến, Trưởng phòng An ninh, Cục CNTT, Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những giải pháp của ngành ngân hàng thời gian tới là sửa đổi, bổ sung các giải pháp xác thực tại Quyết định 630 năm 2017 về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
“Nguyên tắc sửa đổi, bổ sung là thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; ngăn chặn các hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán giả mạo, không chính chủ cho các mục đích lừa đảo, gian lận; đồng thời bảo đảm tính khả thi”, ông Hoàng Minh Tiến thông tin.
Luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế đề nghị Chính phủ, Bộ TT&TT sớm ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử năm 2023, trước thời điểm Luật có hiệu lực để không gây gián đoạn các giao dịch điện tử trong hoạt động hiện nay của ngân hàng.
Đại diện Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử, tổ chức đang tham gia cùng NEAC thúc đẩy phổ cập chữ ký số, ông Phùng Huy Tâm khẳng định giải pháp ký số từ xa của các CA công cộng là thành viên của Câu lạc bộ đều đã sẵn sàng để hỗ trợ ngành ngân hàng thúc đẩy việc khách hàng cá nhân sử dụng chữ ký số.