Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương nêu rõ, sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Cùng với việc cải cách tiền lương toàn diện ở cả khu vực công và tư, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Sẽ có 9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới được giữ lại và áp dụng từ ngày 1/7/2024 bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.
Theo các chuyên gia lao động, chỉ nên giữ lại các khoản phụ cấp chính chứ không nên cào bằng, nghề nào cũng có phụ cấp. Phải đưa các khoản phụ cấp về đúng giá trị thực, phụ cấp chỉ là phụ cấp, tiền lương mới là khoản chính và phụ cấp không thể cao hơn lương.
Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%.
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%.
Theo Bộ Nội vụ, mặc dù trong 3 năm qua chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân khoảng 60%.