Mở cửa căn nhà nhỏ tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh, tiếng máy móc từ phía trong vọng ra tận phòng khách. Anh Hứa Duy Thanh (SN 1993) gãi đầu ái ngại cho biết, đó là tiếng từ "công xưởng" đặt máy mài thủy tinh.

Chỉ về những tác phẩm đã hoàn thành, anh Thanh nói trước đó những mảnh thuỷ tinh này nằm ngoài bãi rác.

Anh kể, năm 2011, sau khi học xong lớp 12, anh bắt đầu làm việc tại nhà hàng, sau đó là nhân viên pha chế ở quán bar. Tại đây, anh đã bị những vỏ chai thuỷ tinh lấp lánh sắc màu hấp dẫn. Anh được biết, những vỏ chai thuỷ tinh này sau khi được sử dụng sẽ bị vứt bỏ. Thấy tiếc, anh xin về trưng bày tại nhà.

z5321282909054 46a2fe812aa4d7b017c1b5a58cb898b5.jpg
Mỗi ngày sau khi kết thúc công việc tại quán bar, anh Thanh lại chuyên tâm làm tranh bằng thuỷ tinh

Năm tháng trôi qua, lượng vỏ chai thuỷ tinh dần lấp hết chỗ trống trong nhà, anh Thanh muốn tái chế và vô tình thấy được thông tin bãi biển Glass (Mỹ) có hàng tỷ viên thuỷ tinh với đầy đủ sắc màu.

"Tại sao không làm tranh từ thuỷ tinh màu?", anh tự hỏi. Từ đây ý tưởng được nhen nhóm trong đầu và các bước tiến hành được anh Thanh vạch rõ.

Nói là làm, năm 2020, anh Thanh bắt tay vào việc tái chế những vỏ chai thuỷ tinh vô tri, làm thành các bức tranh đẹp mắt. Nguyên liệu vỏ chai dần hết, anh tới bãi rác để nhặt những mảnh thuỷ tinh mà người khác vứt đi. Nhiều người thấy vậy, tưởng anh "hâm dở".

"Thuỷ tinh khi bị vứt ra môi trường thì rất có hại, tôi đem về tái chế thành những món đồ xinh xắn. Những người trước đó bảo tôi hâm dở, tôi đều tặng cho họ tranh làm từ thuỷ tinh", anh Thanh tâm sự.

Theo 9X, điều khó khăn nhất trong quá trình xử lý nguyên liệu là công đoạn mài các mảnh thủy tinh. Máy mài phù hợp không có sẵn trên thị trường, anh phải tự mày mò, nghiên cứu, gia công dù chưa một ngày học qua cơ điện, máy móc.

z5350371264949 4aff37f930b0dcff81864e9aa44f95a7.jpg
Nguyên liệu vỏ chai đã hết, anh Thanh tới những bãi rác để tìm thuỷ tinh mà người khác bỏ đi

Vừa làm vừa chỉnh sửa, chiếc máy mài và đánh bóng thủy tinh "độc nhất vô nhị" cũng thành hình và đi vào hoạt động. Để mài một mảnh thuỷ tinh vỡ trở nên nhẵn nhụi, bóng loáng, chiếc máy phải hoạt động liên tục nhiều ngày.

"Tôi đã thất bại khá nhiều, khi hết máy này đến máy khác bị cháy trong quá trình vận hành. Tốn kém lắm! Sau nhiều lần cải tiến, tôi đã có chiếc máy mài ưng ý, hơi ồn một chút nhưng để trong phòng kín thì không ảnh hưởng đến hàng xóm", anh nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm tranh, anh Thanh khẳng định việc này không dễ. Để làm được 1 bức tranh, anh phải xử lý rác thủy tinh thành những mảnh vỡ 1-2cm và mang đi mài, đánh bóng. Công việc này thường kéo dài khoảng 15 ngày liên tục. 

Kết thúc quá trình mài, anh Thanh sẽ phân loại, chọn những mảnh phù hợp để dùng keo chuyên dụng gắn thành bức tranh hoàn chỉnh. Các bức tranh có giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. 

Khách hàng đa phần đặt mua tranh độc bản. Những bức tranh hoàn thiện thường làm hài lòng cả những vị khách khó tính nhất, anh Thanh kể. Anh không nhớ mình đã làm được bao nhiêu sản phẩm và bao nhiêu bức tranh hoàn thiện đã đến tay khách hàng.

z5350371198945 733ffbf3b8d0053a0cd32ac999d0d7f7.jpg
Qua sự hướng dẫn của anh Thanh, các tác phẩm của học sinh tiểu học hoàn thiện đẹp mắt

Điều tâm đắc nhất của anh Thanh là việc làm của anh đã được nhiều cơ sở giáo dục biết đến. Anh đã có những buổi trao đổi, hướng dẫn các em học sinh về việc tái chế thuỷ tinh và ảnh hưởng của rác thải tới môi trường sống.

Anh coi những cuộc trao đổi, hướng dẫn này là "lợi nhuận vô giá" khi đam mê của mình có thể giúp ích cho xã hội và tác động tích cực đến thế hệ trẻ.

z5350371290718 f716ff9d0994826c524c96ded30920ae.jpg
Anh Thanh được mời tới các trường tiểu học tại TP Hạ Long để hướng dẫn các em học sinh làm tranh từ những mảnh thuỷ tinh đã được mài, đánh bóng

Về dự định tương lai, anh Thanh cho biết sắp tới sẽ xin nghỉ làm ở quán bar để chuyên tâm với đam mê của mình. Ngoài ra, 9X sẽ bỏ vốn mở một quán cà phê nhỏ để trưng bày sản phẩm.

Quán cà phê sẽ là địa điểm để những người có chung đam mê tới giao lưu, cùng hướng dẫn các em học sinh ghép tranh, để lan toả ý nghĩa của việc tái chế rác thuỷ tinh.

"Hiện tại, tôi cùng một số bạn bè tổ chức các buổi hoạt động gây quỹ cho các em nhỏ gặp khó khăn, hay xây dựng những chương trình đổi rác lấy quà ở các trường phổ thông và đại học", anh Thanh cho biết.

z5350368310738 0e894dd5ae8665237218bd5ec1721847.jpg
Các em học sinh rất thích thú khi được tự tay làm tranh từ thuỷ tinh, hiểu được tác hại của việc vứt rác bừa bãi ra môi trường