Một trong các ngân hàng đang có dư nợ cho vay đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và các DN con của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã thực hiện hoạt động siết nợ DN này. Tuy nhiên, vẫn còn những điều bí ẩn đằng sau đó.

Siết nợ bầu Đức

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa phát đi thông báo cho biết đã thực hiện giao dịch bán 5,82 triệu cổ phiếu (tương đương 0,82% vốn) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gai Lai - HAGL Agrico (mã HNG).

Sau giao dịch này, HAG còn nắm giữ hơn 543 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 76,69% vốn.

Trong thông báo phát đi, HAG cho biết giao dịch do Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - chi nhánh Gia Lai thực hiện bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay và được thực hiện từ ngày 1/3 đến ngày 4/3/2016 theo phương thức khớp lệnh qua sàn.


{keywords}
DN nhà "bầu" Đức đang khốn khổ vì các khoản nợ vay...

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, HAGL Agrico vay ACB - chi nhánh Gia Lai 135 tỷ đồng với với tài sản thể chấp là 19 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu công ty mẹ HAG và tiền gửi có kỳ hạn của HAG là 24 tỷ đồng. Đây là khoản vay kỳ hạn dài, hoàn trả trong vòng 10 năm kể từ ngày 4/11/2010, và lãi suất vay vốn là thả nổi (từ 10,5% - 11%/năm). Ngoài khoản vay trên, khoản trái phiếu kèm chứng quyền 2.000 tỷ đồng cũng được đảm bảo bằng 143 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAG.

Trong khoảng thời gian ACB thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu HNG giao dịch ở mức 7.500 - 8.100 đồng/đơn vị. Đây được ghi nhận là mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết. Liên tục trong vòng hai tháng trước đó, HNG đã lao dốc, mất khoảng 75% giá trị.

Với diễn biến giá khi giải chấp, có thể thấy ngân hàng ACB đã thu về khoảng trên 43 tỷ đồng từ việc bán HNG thuộc sở hữu của HAGL.

Tính tới cuối tháng 9/2015, HAGL có nợ ngắn hạn khoảng 13 ngàn tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn hơn 4,4 ngàn tỷ đồng. Nợ dài hạn khoảng 17 ngàn tỷ đồng, trong đó vay dài hạn (trái phiếu và vay ngân hàng) hơn 8,7 ngàn tỷ đông.

Trong khi đó, HAGL Agrico có nợ ngắn hạn khoảng 7,4 ngàn tỷ đồng và nợ dài hạn khoảng 13,5 ngàn tỷ đồng.

Các khoản vay dài hạn, theo HAGL và HAGL Agrico được dùng để tài trợ cho hàng loạt các dự án từ xây dựng, thủy điển cho tới nông nghiệp (gồm cao su, mía đường, bò sửa)…

Khoản vay dài hạn từ ACB Gia Lai trên thực tế khá khiêm tốn so với tổng nợ cũng như từ các NH khác.

14 triệu cổ phiếu HNG biến mất bí ẩn

Trong báo cáo vừa phát đi, nhiều NĐT khá bất ngờ khi thấy số lượng cổ phiếu HNG mà HAGL nắm giữ trước khi bị ACB giải chấp chỉ có 548,9 triệu đơn vị. Trước đó, trao báo cáo quản trị 2015 công bố hôm 25/1/2016, HAGL vẫn đang nắm hơn 563 cổ phiếu HNG.

Điều đó có nghĩa hơn 14 triệu cổ phiếu HNG mà HAGL đang nắm giữ bỗng dưng biến mất trong khoảng thời gian từ đó cho tới ngày 10/3/2016. Trong khoảng thời gian ngày cả HAGL lẫn HAGL Agrico đều không công bố thông tin gì liên quan tới việc giảm sở hữu hơn 14 triệu cổ phiếu HNG.

Nhiều NĐT đặt ra câu hỏi liệu HAGL có công bố thông tin nhầm hay không? Nếu không, thì 14 triệu cổ phiếu HNG mà HAGL đang sở hữu đã biến mất đi đâu trong khoảng thời gian nói trên.

Trong vài tháng gần đây, có khá nhiều diễn biến lạ liên quan tới cổ phiếu HAGL Agrico. Cổ phiếu này đã bốc hơi 3/4 giá trị trong vòng một thời gian rất ngắn mà không được DN lý giải tại sao.

Sau nửa năm lên sàn, công ty con của nhà bầu Đức này đã bốc hơi khoảng 18 ngàn tỷ đồng. DN nông nghiệp có quy mô lớn nhất trên TTCK Việt Nam này lên sàn ngày 20/7/2015 với hơn 700 triệu cổ phần, tương đương hơn 7 ngàn tỷ đồng vốn điều lệ. Cổ phiếu này tăng lên 33.500 đồng và có vốn hóa gần 24 ngàn tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 3/2016, HAGL Agrico tiếp tục gây sốc khi nhanh chóng tiêu hết hơn 1,6 ngàn tỷ đông vào một thương vụ mua công ty cao su từ 2 đối tác chiến lược sau khi thu tiền từ việc bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 2 đối tác này.

V. Hà