- “Pharaoh” Hosni Mubarak từ chức là sự khởi đầu cho một tiến trình mới. Lòng tin vào quyền lực pháp trị và một chính phủ minh bạch, không tham nhũng, niềm hy vọng của con người được hưởng nền công lý bình đẳng, tự do bày tỏ ý kiến có thắng các chế độ độc tài toàn trị hay không? Câu trả lời tích cực luôn là nguồn cảm hứng cho hòa bình và tiến bộ trong những kỷ nguyên tới.
>> Mubarak ra đi, điều gì sẽ đến?
>> Thế giới phản ứng sau khi Mubarak từ chức
>> Bất ổn Ảrập: Ba bài học lãnh đạo không thể bỏ qua
>> Vòng lửa Ai Cập: Cuộc đấu tranh chưa được đặt tên
>> Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập
Theo các hãng thông tấn nước ngoài tại Cairo, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam, ngay khi được tin này, tiếng còi ô tô đã nhất loạt rú lên khắp thủ đô, cùng với các màn pháo hoa, pháo bông và tiếng reo hò như sấm dậy từ những sóng biển người trên quảng trường Tahrir - có nghĩa là Giải phóng - và khắp các con phố của thủ đô Ai Cập. Nhiều người đã oà khóc vì sung sướng.
Thắng lợi trước mắt
Vậy là sau 18 ngày đêm đấu tranh bền bỉ và không khoan nhượng, phong trào chống Tổng thống Mubarak, hay “Cuộc cách mạng hoa nhài thứ hai”, đã đạt mục tiêu trước mắt.
Ảnh: AP
Mặc dù, trong bài diễn văn được mong đợi đó, Tổng thống Mubarak có dành thời gian để tưởng niệm những thanh niên đã hy sinh trong ba tuần qua nhằm bày tỏ quyết tâm mang lại những thay đổi cho đất nước, thông báo của ông ngay lập tức đã bị những người biểu tình ở Cairo la ó và phản đối dữ dội. Nhiều người còn dứ cả giày lên trước ống kính phóng viên để biểu lộ sự phẫn nộ.
Làn sóng biểu tình đòi Mubarak từ chức lập tức dâng cao trên toàn quốc. Dòng người biểu tình đổ về quảng trường Giải phóng ngày một đông hơn, và hàng ngàn con người giận giữ này đã bao vây bên ngoài dinh tổng thống ở ngoại ô với kế hoạch sẽ tràn vào dinh tổng thống.
Họ lại càng thêm phẫn nộ, khi quân đội Ai Cập tuyên bố đứng ra bảo đảm cho những cải tổ mà Tổng thống Mubarak hứa hẹn. Vào lúc bản thông cáo được phát trên đài truyền hình, một sĩ quan cấp tá của quân đội cũng đọc bản thông cáo này trước dinh tổng thống. Những người biểu tình đã tỏ thái độ giận dữ, có người còn giật micro ra khỏi tay viên sĩ quan nói trên.
Theo ước tính, nội trong ngày 11/2, có khoảng một triệu người dân Ai cập đã đổ ra đường phố đòi Mubarak phải từ giã hoàn toàn quyền lực. Và những nỗ lực to lớn của họ cuối cùng đã được đền đáp!
Theo tuyên bố của Phó Tổng thống Suleiman, 74 tuổi, vốn là tướng tình báo ba sao, từ thời điểm này, Hội đồng các tướng lĩnh Ai cập sẽ đảm trách việc điều hành quốc gia.
Cuối cùng thì vị “Pharaoh Ai Cập” Hosni Mubarak đã từ chức, và điều này được coi như sự khởi đầu cho một tiến trình mới. Lòng tin của người dân vào quyền lực pháp trị và một chính phủ minh bạch, không tham nhũng, niềm hy vọng của các thế hệ già trẻ ở Ai Cập được hưởng nền công lý bình đẳng, tự do bày tỏ ý kiến có thắng các chế độ độc tài và toàn trị hay không? Câu trả lời tích cực sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho hòa bình và tiến bộ trong kỷ nguyên tới. Và không chỉ riêng đối với thế giới Ảrập.
Phản ứng quốc tế thuận lợi
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barrack Obama được thông báo trước về chuyện ông Mubarak từ chức, và rạng sáng ngày 12/2 (1h30 giờ Việt Nam) ông đã phát biểu về tình hình Ai Cập.
Tổng thống Obama cho rằng ông Mubarak đã đáp ứng lòng khao khát thay đổi của nhân dân Ai Cập bằng cách từ chức. Nhưng người đứng đầu nền hành pháp Mỹ cũng tỏ ra dè dặt khi cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu cho sự chuyển tiếp ở đất nước này.
Nhưng Tổng thống Obama cho biết ông vẫn tin tưởng rằng người dân Ai Cập có thể tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi chưa được trả lời, một cách hòa bình và trong tinh thần đoàn kết đã được biểu lộ trong những cuộc biểu tình trong những tuần qua.
Ông Obama kêu gọi quân đội Ai Cập bảo đảm một sự chuyển tiếp đáng tin cậy, bằng cách bảo vệ quyền của người dân Ai Cập, bãi bỏ luật khẩn cấp, xét lại Hiến pháp, và ấn định một lộ trình rõ ràng đến những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông nói việc chuyển tiếp phải đưa tất cả tiếng nói của người Ai Cập đến bàn thảo luận.
Tổng thống Obama cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một người bạn và là đối tác với Ai Cập, và sẵn sàng cung cấp những trợ giúp cần thiết để nước này có thể theo đuổi sự chuyển tiếp đến một nền dân chủ tin tưởng được.
Trong khi đó, phản ứng trước việc ông Mubarak từ chức, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận rằng nước ngoài không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Ai Cập.
Hãng Reuters nhận định rằng thái độ thận trọng của Bắc Kinh trước các diễn biến tại Ai Cập chủ yếu bắt nguồn từ quan ngại về sự kiểm soát nội bộ ở chính Trung Quốc, hơn là về tình hình quốc gia châu Phi xa xôi.
Trong bài xã luận trên tờ China Daily có viết: "Theo sau diễn biến đặc biệt này, hy vọng rằng quân đội, chính phủ và người dân Ai Cập cố gắng hết sức để giữ ổn định xã hội và khôi phục trật tự… Ổn định xã hội phải là yếu tố quan trọng đầu tiên. Mọi thay đổi chính trị sẽ không có ý nghĩa gì nếu như đất nước cuối cùng lại rơi vào hỗn loạn".
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói rằng nguyện vọng của dân chúng đã được lắng nghe. Ông cũng ca ngợi những người biểu tình Ai Cập đã thi hành các quyền của họ theo cung cách “hòa bình, dũng cảm, trật tự,” và kêu gọi thực hiện một cuộc chuyển đổi chính trị trong hòa bình và trật tự.
Trưởng đại diện ngoại giao Liên hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng nay là lúc "cuộc đối thoại tại Ai Cập cần tăng tốc, đi đến chỗ có một chính phủ đa thành phần, tôn trọng nguyện vọng của người dân và đảm bảo ổn định cho đất nước". Trước đó, EU bị phê là phản ứng chậm hơn nhiều so với Hoa Kỳ về chuyện đánh giá và lên tiếng về tình hình Ai Cập.
Đặc biệt, Thụy Sĩ đã phong tỏa tài sản của ông Hosni Mubarak, ngay sau khi nghe tin ông từ chức. Giới chức Thụy Sĩ nói lệnh này có thời hạn 3 năm, nhưng lại không cho biết chi tiết về khối tài sản này lớn như thế nào và được cất giữ ở đâu. Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài ước lượng tài sản của gia đình Mubarak có thể từ 40 tỉ đến 70 tỉ USD.
Còn nhớ, những cáo buộc về tham
nhũng là một trong những lý do những người biểu tình nêu ra để đòi Tổng thống
Mubarak phải từ chức.
Nước láng giềng Israel mong có
một sự chuyển giao quyền lực êm ả, trong khi các nước thuộc khối Ảrập
theo chế độ độc đoán thì theo dõi sát các diễn biến tiếp theo ở Ai
Cập - quốc gia Ảrập đông dân nhất.Chỉ có tại Tunisia, dân chúng cũng reo hò và còi xe hơi vang dội.
Sau đợt biểu tình tại Tunesia khiến tổng thống Ben Ali phải ra đi, cuộc đấu tranh thắng lợi ở Ai Cập cho thấy sức mạnh của người dân làm bất ngờ các nhà quan sát quá thận trọng ở Âu Mỹ. Những người này đã cho rằng dân chủ "không tương thích" với tình hình tại khu vực Bắc Phi.
Hoàng Dũng Nhân