Như đã đề cập trong bài “Giá của có điện”, giá bán lẻ điện ở Việt Nam bị ép thấp nhất khu vực, làm cho ngành điện rất khó “đi trước một bước” và đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình thế rủi ro. Nhận định đó được nhiều chuyên gia đồng tình.
Ông Franz Gerner, chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, mức tăng giá bán lẻ điện dự kiến khoảng 8.4% hay 8,1 cents Mỹ/kWh là “một bước đi đúng hướng”.
Tuy nhiên, mức tăng đó vẫn chưa phản ảnh chi phí thật. “Tôi cho rằng, giá điện trong tương lai cần phải thu hồi đầy đủ tất cả các chi phí của ngành điện như chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ thông qua nguồn thu từ bán điện”. Mức giá này, theo ông Gerner, phải “trung bình khoảng 11-12 US cents/kWh”, cao hơn rất nhiều so với giá 8,1 cent hiện nay.
“Một bước đi đúng hướng” đồng nghĩa với thêm 20.000 tỷ đồng được bổ sung vào túi của ngành điện, nhưng EVN, doanh nghiệp “chủ đạo” không vui. Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN giải thích: ““EVN gần như chỉ là trung gian thu xong để trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế".
Ảnh: Toàn Thắng |
Theo tính toán của EVN, phần chi trả cho giá than (đã tăng hai lần gần đây) là hơn 5.000 tỷ đồng, phần chi trả chênh lệch giữa nhập khẩu than ngoại về trộn với than nội để cung cấp cho sản xuất điện là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Hai khoản này tổng cộng là hơn 7.000 tỷ đồng.
Một khoản khác có tên “chênh lệch tỷ giá của các nhà máy điện ngoài EVN” là 3.825 tỷ đồng mà EVN đang “nợ” khi giá điện năm 2018 đã đến hạn phải trả. Ngoài ra còn khoản thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên.
Đáng nói nhất là chuyện EVN phải trả hơn 6.000 tỷ đồng giá khí trong bao tiêu được chuyển ra tính theo giá thị trường được EVN trả cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để đơn vị này nộp vào ngân sách nhà nước.
Tính toán trên cho thấy, người thu lợi lớn nhất chính là Ngân sách Nhà nước từ đợt tăng giá điện lần này trong khi doanh nghiệp vẫn còn phải nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, nguồn lực để đầu tư phát triển ngành điện là rất mong manh.
Ông Gerner nhận xét: “Chính sách giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả”. Song, thách thức của ngành điện không dừng ở chỗ đó.
Ông phân tích, đầu tiên phải kể đến là phần lớn nguồn tài nguyên rẻ trong nước đã được phát huy tối đa về công suất, đặc biệt là dầu khí và thuỷ điện. Việt Nam càng ngày càng dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn như than và khí tự nhiên.
Thứ hai, Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi nhiều như trước đây nữa.
Cuối cùng, Chính phủ đã và đang tăng định hướng cho ngành điện hướng tới các hình thức huy động vốn theo hướng thị trường nhiều hơn thay vì sử dụng nguồn ODA và vay bảo lãnh của Chính phủ.
Những yếu tố trên được hiểu, nguồn cung điện sẽ rất khó khăn trong tương lai. EVN không còn được hưởng quy chế bảo lãnh chính phủ và bị áp giá bán lẻ điện, tức bị ép cả đầu vào lẫn đầu ra, thì làm sao huy động được nguồn tài chính cho phá triển? Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài nào dám đầu tư lớn vào lĩnh vực méo mó như vậy?
Cần nhắc lại, một dự án điện công suất khoảng 1.500 MW, nếu thành công, cần 10 năm để đưa vào sử dụng; Việt Nam cần có thêm 3-4 nhà máy mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển; và từ năm 2016 đến nay không có bất kỳ nhà máy nào được khởi công xây dựng.
Trong bối cảnh bên cung căng thẳng thì bên cầu phải “chia lửa”. Trớ trêu thay, giá điện thấp lại khuyến khích đầu tư tiêu tốn năng lượng, nhất là đầu tư FDI. Ông Gener nhận xét, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ sử dụng điện ở mức cao nhất trong khu vực Đông Á, và ngành công nghiệp sản xuất sử dụng đến hơn 50% tổng lượng điện sản xuất.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, thương mại và sinh hoạt thì có thể giảm được việc phải phát mới tới 10 GW điện.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất là cần đẩy nhanh lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo Quyết định số 63 năm 2013 của Thủ tướng. Không thể để EVN mãi trong thế độc quyền. Cần tách các nhà máy điện thuộc EVN thành các đơn vị phát điện độc lập để đảm bảo thị trường phát điện cạnh tranh, không bị phân biệt đối xử.
Cần tổ chức lại Công ty mua bán điện, phá bỏ thế độc quyền mua điện của EVN. Hiện EVN đang nắm giữ hầu như toàn bộ bán buôn và bán lẻ, vì thế cần tổ chức thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh để mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài EVN. Đây là những khuyến nghị cơ bản của CIEM nhằm thị trường hóa ngành điện.
Trong khi đó, chuyên gia của World Bank khuyến nghị, Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả một cách tự nguyện sang bắt buộc, theo đó phải đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành hay không hoàn thành chỉ tiêu này.
Những khuyến nghị đó được tiếp thu đến đâu, có lẽ không mấy người biết. Chỉ biết rằng, cơn khát đầu tư vẫn đang kéo dài, nhiều dự án tiêu tốn năng lượng vẫn đang đổ vào Việt Nam; cơ cấu thị trường vẫn không méo mó; còn phong trào phản đối nhiệt điện than vẫn đang diễn ra ở nhiều tỉnh dưới danh nghĩa vì môi trường.
Nguy cơ thiếu điện đang trực chờ ở tương lai rất gần và chắc sẽ có người bị "cắt chức", như Thủ tướng đã cảnh báo.
Tư Giang