Đây là cuộc tái cấu trúc quan trọng nhất trong lịch sử Alibaba. Mỗi bộ phận mới của Alibaba sẽ có CEO và ban quản trị riêng quản lý. Trong một tuyên bố, công ty cho biết điều này nhằm “mở khóa giá trị cổ đông và củng cố tính cạnh tranh trên thị trường”.
Động thái của Alibaba diễn ra sau những năm khó khăn vừa qua. “Ông lớn” thương mại điện tử đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc cũng như quy định khắc nghiệt từ Bắc Kinh, dẫn đến mất hàng tỷ USD vốn hóa. Công ty vật lộn để tăng trưởng trong vài quý gần nhất.
Với lần cơ cấu này, Alibaba muốn tìm cách phục hồi tăng trưởng. Các bộ phận mới sẽ xoay quanh các chiến lược ưu tiên, cụ thể như sau: nhóm Cloud Intelligence do CEO Alibaba Daniel Zhang đứng đầu, phụ trách các hoạt động đám mây và trí tuệ nhân tạo; nhóm Taobao Tmall bao gồm các nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao và Tmall; nhóm Dịch vụ địa phương do Yu Yongfu làm CEO, gồm dịch vụ giao đồ ăn Ele.me và bản đồ; nhóm Cainiao Smart Logistics do Wan Lin làm CEO, gồm dịch vụ logistics của Alibaba; nhóm Global Digital Commerce do Jiang Fan làm CEO, gồm các mảng kinh doanh thương mại điện tử quốc tế như AliExpress, Lazada; nhóm Digital Media & Entertainment do Fan Luyuan làm CEO, gồm mảng phim và streaming.
Mỗi nhóm có thể gọi vốn độc lập và niêm yết trên sàn chứng khoán khi sẵn sàng, ngoại trừ Taobao Tmall Commerce, theo CEO Daniel Zhang.
Tính từ khi đạt đỉnh tháng 10/2020, khoảng 600 tỷ USD vốn hóa của Alibaba đã bị “bốc hơi”. Từ đó tới nay, chính phủ Trung Quốc liên tục siết quản lý các doanh nghiệp công nghệ tư nhân, giới thiệu hàng loạt quy định và tăng cường giám sát các “ông lớn” trong nước. Tháng 11/2020, công ty tài chính Ant Group thuộc Alibaba bị nhà quản lý ép hủy bỏ vụ IPO quy mô lớn. Năm 2021, Alibaba bị phạt 2,6 tỷ USD sau cuộc điều tra độc quyền.
Từ một công ty thương mại điện tử, Alibaba đã trở thành đế chế với nhiều mảng miếng như đám mây, streaming, logistics. Công ty xem việc chia làm 6 như một cách để thay đổi nhanh hơn, phản hồi tốt hơn trước các biến đổi của thị trường.
Việc tái cấu trúc cũng đúng vào thời điểm Bắc Kinh cho thấy những dấu hiệu nới lỏng quy định với ngành công nghệ do chính phủ đang muốn phục hồi kinh tế. Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba – vừa trở về Trung Quốc sau nhiều tháng ở nước ngoài.
(Theo CNBC)