Ông là Tống Phước Phúc (một lão nông nghèo quê ở Nha Trang, Khánh Hòa), người được người dân trong vùng đặt cho cái tên “Người cha của 20.000 thai nhi”- người dành cả đời để chôn cất các hài nhi xấu số và cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn.

Ông Phúc cho biết, lần đầu tiên quyết định làm việc thiện mà lại là các việc “trái khoáy” liên quan tới phụ nữ sinh nở khiến ông khá bối rối. Cụ thể, đó là ngày vợ ông chuyển dạ đến sinh tại Bệnh viện Nha Trang. Tại viện, ông Phúc nhìn thấy rất nhiều cô gái trẻ nạo phá thai. Lương tâm và sự thiện lương xuất phát từ tâm đúng như cái tên cha mẹ đặt cho mình “Phước Phúc”, ông Phúc thấy người ta bỏ rơi những hài nhi xấu số nên không khỏi xót xa.

Rồi ông nghĩ tiếp, những linh hồn bé nhỏ tội nghiệp kia sẽ đi về đâu và nảy ra ý định sẽ lo chôn cất cho những thai nhi này như muốn để cho những số phận bất hạnh ấy có nơi “để về”. Nghĩ là làm, sau khi lo cho vợ con sinh nở xong xuôi mẹ tròn con vuông. Ông Phúc quay trở lại bệnh viện gặp các bác sĩ, đặt vấn đề xin lại những thai nhi xấu số để đem về lo chôn cất cho các con có được một nấm mồ.

“Thai nhi đầu tiên tôi mang về an táng là ngày 13/7/2004. Ban đầu tôi không đủ kinh phí nên chỉ có thể đào lỗ chôn chứ chưa xây cất được mộ tử tế. Vợ tôi thấy thế cũng vừa thương vừa động viên, sức tôi đến đâu thì làm đến đó. Để rồi 1 tháng sau, có người thấy tôi làm những “việc lạ” bèn đi theo. Sau đó khi biết nguồn cơn thì người ấy (xin giấu tên) đã đứng ra vận động nhiều người khác ủng hộ vật liệu xây dựng (như cát, gạch, xi măng), thậm chí quyên góp cả tiền để tôi làm những việc nên làm cho các cháu bé”, ông Phúc kể lại.

2 nguoi dan ong.jpg
Ông Tống Phước Phúc đang chia sẻ trong Chương trình "Đời rất đẹp". Ảnh chụp màn hình

“Khi xây đến ngôi mộ thai nhi thứ 437, tôi dừng lại và suy nghĩ. Tại sao các cháu gái lầm lỡ cứ phải bỏ con mình. Có cách nào để giữ lại những sinh linh vô tội kia không phải đầu thai sớm không, để các bà mẹ trẻ giữ lại mạng sống cho các bé. Thế là tôi lại tiếp tục xin địa chỉ những sản phụ có thai ngoài ý muốn. Động viên họ đừng vội phá thai, hãy đến nhà tôi, tôi sẽ cưu mang và nhận nuôi đứa bé. Việc làm này ban đầu chính vợ tôi cũng nghi ngờ động cơ, nghĩ tôi có ý tà bậy”, ông Phúc nói.

Thế rồi đã 19 năm qua, ông Tống Phước Phúc đã cưu mang được cho 400 người mẹ trẻ sinh con tại nhà ông. Để rồi phúc đến, đời cười, những người trót bỏ con nay muốn đến xin nhận lại. Hoặc có những trường hợp người cha ruột đã tìm đến nhà ông và xin cho nhận lại con ruột của mình. “Tôi vui lắm chứ, hơn chục cặp đôi nhận con ruột và đưa nhau về làm đám cưới. Hoặc sau này, nhiều người mẹ đã quay lại tìm con và đón con về nuôi”, ông Phúc kể.

Được biết, suốt 14 năm qua, ông Tống Phước Phúc làm những việc chẳng ai dám làm như trên nên ngoài cưu mang được cho 400 bà mẹ trẻ thì ông cũng phải tự tay làm công việc chẳng ai dám làm và không ai muốn làm, đó là chôn cất cho hơn 20.000 hài nhi xấu số. 

Đáng buồn hơn, số ngôi mộ ấy (tại Nghĩa trang Đồng Nhi, TP Nha Trang) vẫn đang tăng lên mỗi ngày. Nhìn những ngôi mộ bé nhỏ nằm san sát nhau. Mỗi hài nhi xấu số đều được ông Phúc mang về khâm liệm, tắm rửa sạch sẽ và để trong chiếc hũ sành; có ghi tên tuổi và ngày tháng mất; sau đó đem chôn tại các phần mộ đã chuẩn bị sẵn khiến người xem không khỏi xót xa.

Theo ông Phúc, nghĩa trang được phân chia làm hai kiểu. Một là mộ do cha mẹ của hài nhi nhờ ông Phúc xây, còn lại (mộ các cháu do cha mẹ bỏ rơi) là các ô chôn cất đều được lấp đất, phủ xi măng và sơn thành các màu để tạo độ thẩm mỹ. Trên bia mộ, các hài nhi đều được ông Phúc đặt tên theo Thánh và đánh số thứ tự. 

Xem xong phóng sự, nhiều người biết đến ông Phúc nhiều hơn và âm thầm hỗ trợ ông tiếp tục làm công việc phúc đức khó khăn nhưng cũng rất đỗi nhân văn này. Thầm cầu chúc vợ chồng ông sức khỏe, cưu mang thêm được nhiều em bé bất hạnh và đỡ đi được những nấm mồ trẻ nhỏ khi mẹ cha chúng phải dứt ruột bỏ đi những đứa con của chính mình.

Lệ Yên và nhóm PV, BTV