Đi đầu số hoá từ cơ sở

Khi chia sẻ câu chuyện về dữ liệu ngành chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, cho biết, trước đây công tác quản lý chăn nuôi đều thông qua các ghi chép vào sổ sách, tổng hợp và báo cáo định kỳ hay đột xuất.

Đặc thù quy mô chăn nuôi ở tỉnh khá nhỏ lẻ, cùng với việc quản lý và thống kê theo cách làm truyền thống tốn nhiều thời gian, công sức nên kết quả đôi khi gây nhầm lẫn, không chính xác, thông tin chưa kịp thời… Điều này đã ảnh hướng đến công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Để tháo gỡ những bất cập này, từ cuối năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang phối hợp VNPT xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Phần mềm là công cụ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp cập nhật và lưu số liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác trên hệ thống mạng điện tử, thông suốt từ xã đến huyện, đến tỉnh (cccnty-angiang.gov.vn).

to yen 1.jpg
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi góp phần hỗ trợ dự báo sản lượng và thị trường. Ảnh: Tâm Tâm.

Hiện, tổng đàn vật nuôi của tỉnh An Giang khá lớn. Toàn tỉnh có 73.800 con trâu, bò; đàn lợn có 103.600 con và khoảng 6,3 triệu con gia cầm. Tỉnh có 1.016 trang trại chăn nuôi, gồm: 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 100 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 911 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.

Ngoài ra, tỉnh còn có 45 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 1.065 nhà dẫn dụ và gây nuôi chim yến; 15 trang trại, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chăn nuôi; 58 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm; 60 cơ sở ấp trứng gia cầm…

Theo bà Xoàn, ngành được tổ chức đồng bộ đến cơ sở. Nhân viên chăn nuôi tiến hành nhập tất cả thông tin nông hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà nuôi chim yến, hộ kinh doanh giống và sản phẩm chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… đưa lên hệ thống cccnty-angiang.gov.vn. 

Sau khi nhân viên cấp xã cập nhật lên hệ thống, cấp huyện và tỉnh sẽ xem, xuất báo cáo ngay trên hệ thống nhanh chóng và chính xác.

Đến nay, cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi của tỉnh An Giang cơ bản hoàn thiện. Nhân viên chăn nuôi thú y thường xuyên cập nhật trên hệ thống phần mềm khi có sự thay đổi tình hình chăn nuôi tại địa bàn quản lý (tăng đàn, phát sinh nuôi mới hoặc giảm đàn, nghỉ nuôi).

Tạo cơ sở dự báo sản lượng, thị trường tiêu thụ

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chăn nuôi và thú y, từ đó giúp ngành quản lý sâu sát cùng với địa phương. Cũng từ nền tảng đó đã giúp ngành chăn nuôi An Giang trên đà phát triển mạnh.

Bà Xoàn nhận định, phần mềm giúp cập nhật số liệu chính xác, hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh thuận lợi hơn. Trên nền tảng dữ liệu này, cơ quan chứcnăng quản lý của tỉnh có thể thông tin kịp thời, khuyến cáo địa phương, cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp dự báo sản lượng, truy xuất nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm.

Anh Phạm Xuân Tiến - nhân viên Chăn nuôi và Thú y xã Mỹ An (Chợ Mới, An Giang) thừa nhận, phần mềm quản lý vật nuôi được ứng dụng đã giúp cho cán bộ chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn quản lý giám sát được số hộ chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Công việc cập nhật số liệu chính xác, công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi hơn. 

Không chỉ vậy, thông qua phần mềm của ngành còn tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh. Từ đó, hỗ trợ cơ quan quản lý và người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. 

Những yếu tố thuận lợi đó cũng giúp dự báo sản lượng, truy suất được nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm chăn nuôi, anh Tiến cho hay.

Thời gian tới, việc cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm vào phần mềm sẽ giúp địa phương quản lý tốt công tác chăn nuôi, kịp thời hỗ trợ người dân kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. 

Cơ sở dữ liệu chăn nuôi thể hiện đầy đủ trên phần mềm có thể cung cấp thông tin, phục vụ tốt cho cơ quan quản lý, đồng thời tham mưu, đề xuất chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp thực tế, khả thi, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Chi cục chăn nuôi và thú ý của tỉnh hàng năm vẫn phối hợp với VNPT tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả thực hiện, nâng cấp phần mềm quản lý chăn nuôi ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu của ngành, bà chia sẻ thêm.