Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho biết việc mất điện tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia là lời nhắc nhở về tình hình nguy hiểm mà nhà máy và khu vực xung quanh đang phải đối mặt. 

“Nếu chúng ta cứ để điều này tái diễn hết lần này đến lần khác, một ngày nào đó vận may của chúng ta sẽ không còn”, CNN dẫn lời ông Grossi. 

Binh sĩ Nga đứng canh bên ngoài nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo các quan chức Ukraine, nhà máy Zaporizhzhia đã bị mất điện hoàn toàn do đợt tấn công tên lửa hôm 9/3, buộc nhà máy chuyển sang hoạt động ở chế độ khẩn cấp. Ông Grossi nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên nhà máy này bị mất toàn bộ điện kể từ ngày 23/11/2022.

"Tôi ngạc nhiên trước sự tự mãn. Chúng ta đang làm gì để ngăn chặn điều này xảy ra? Chúng ta là IAEA, chúng ta có nhiệm vụ quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân", ông Grossi nhấn mạnh.

"Đây là nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu.  Vậy chúng ta đang làm gì? Làm sao chúng ta có thể ngồi đây trong căn phòng này vào sáng nay và cho phép điều này xảy ra? Điều này không thể tiếp tục", ông Grossi nói thêm. 

"Chúng ta cần phải cam kết bảo vệ sự an toàn và an ninh của nhà máy. Và chúng ta cần cam kết ngay bây giờ. Điều chúng ta cần làm là hành động", Tổng giám đốc IAEA cho biết. 

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 3/2022, nhưng chủ yếu vẫn do công nhân Ukraine vận hành.

Các cuộc tấn công vào khu vực nhà máy Zaporizhzhia đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân, và nhân viên IAEA đã nhiều lần đến thị sát để đánh giá thiệt hại. Gần đây, IAEA cho biết không thể luân phiên cử chuyên gia tới nhà máy vì tình trạng bất ổn an ninh đang gia tăng trong khu vực.