Trong nhiều thập kỷ qua, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến ASXH cho mọi người dân, đặc biệt quan tâm với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đây là nhóm yếu thế, hầu hết sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam có quy mô khoảng hơn 13 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước năm 2015, hiện tại đang có cơ cấu dân số trẻ. Đây là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực DTTS (cả thể lực và trí lực) còn thấp, kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc, khả năng thích nghi của lao động DTTS còn nhiều yếu kém; chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp và phi chính thức; tình trạng thiếu việc làm, nhất là ở thanh niên ngày càng gia tăng. Đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự quan tâm đặc biệt bằng những chính sách đặc thù để đảm bảo ASXH cho đồng bào được cải thiện, góp phần vào ổn định, phát triển đất nước.

Người Mông ở Hà Giang (ảnh minh họa)

Trong lịch sử phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình ASXH, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi trung bình mỗi năm giảm 3 - 4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, đến nay để phát huy hiệu quả của các chính sách ASXH vẫn còng tồn tại những hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhất là trong công tác quản lý dân cư, người dân cư trú phân tán và xen kẽ nhau; trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng; đất đai và rừng là nguồn sinh kế chủ yếu nhưng do nằm trên địa hình dốc, tỷ lệ diện tích đất tốt, màu mỡ để canh tác thấp, thường xuyên bị thiếu nước, xói mòn, sạt lở... cho nên hiệu quả sử dụng đất không cao (nhiều hộ DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất). Vùng đồng bào DTTS thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản...

Mặc dù đã có nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ thiết yếu. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, bà con DTTS bị hạn chế về vốn xã hội do rào cản về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thông tin, định kiến của cộng đồng, sự mặc cảm, tự ti và một số hủ tục...

Để bảo đảm chính sách ASXH bền vững đối với đồng bào DTTS, cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất "cho không", sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người DTTS, giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.

Các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng DTTS, miền núi. Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo vừa qua mới tính đến việc hỗ trợ ngắn hạn mà chưa tính đến những hỗ trợ dài hạn bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Tăng cường sự tham gia của người dân vùng đặc biệt khó khăn trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát chính sách. Cần coi người dân như là một đối tác trong công tác dân tộc và ASXH,  lao động, việc làm bền vững trong vùng DTTS. Các biện pháp hỗ trợ an sinh cho đồng bào DTTS cần tính toán rõ sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp đặc điểm của DTTS, chưa phù hợp trình độ dân trí và đặc điểm phong tục, tập quán vùng, miền DTTS. Từ đó, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.

Năng lực thực hiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chính sách ASXH đối với vùng DTTS cũng cần được đặc biệt tăng cường. Chú trọng công tác điều tra, rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, ASXH đối với khu vực này và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS.

Mặt khác, cần bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phù hợp, tránh bố trí dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm... Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, ASXH tại vùng đồng bào DTTS.

Hồ Nhụy, Thanh Hà, Kiều Oanh, Bạt Tuấn, Thục Anh