Dự báo kém lạc quan
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 4/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 30.065 xe, giảm 3% so với tháng 3/2021.
Mức suy giảm tương tự cũng được ghi nhận đối với thành viên không thuộc VAMA là TC Motor, doanh số bán chỉ đạt 6.538 xe Hyundai các loại, giảm 4% so với tháng 3/2021.
Các doanh nghiệp nhận định, tháng 5/2021 doanh số bán ô tô sẽ tiếp tục giảm so với tháng 4/2021. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty TC Motor, dự đoán, doanh số bán trong tháng 5 sẽ giảm khoảng 20% so với tháng trước và thị trường ô tô cũng không mấy lạc quan từ nay đến cuối năm.
Một số doanh nghiệp ô tô dự báo doanh số bán kém lạc quan hơn, có thể giảm tới 50% vào tháng 5/2021. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đang bùng phát và nhu cầu về xe giảm mạnh. Doanh số bán ô tô trong tháng 5/2021 có thể chỉ ngang bằng với tháng 5/2020. Cùng với đó, tồn kho ô tô lại bắt đầu tăng.
Tiêu thụ ô tô khó khăn do dịch (ảnh: Thu Ngân) |
Theo VAMA, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp nước tháng 4/2021 cũng giảm 1% so với tháng 3/2021. Với TC Motor mức giảm doanh số 4% kể trên, tất cả là của xe sản xuất lắp ráp trong nước. Các doanh nghiệp cho rằng, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tháng 5/2021 cũng giảm so với tháng 4/2021. Doanh số giảm thì sản lượng cũng giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Trụ cột quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay là phân khúc sedan hạng B, với 3 mẫu xe chính: Hyundai Accent, Toyota Vios và Honda City. Những mẫu xe này từ lâu luôn có doanh số bán dẫn đầu thị trường và năm 2020 vượt ngưỡng 60.000 xe, tăng trưởng gần 10%.
Đặc biệt, hai mẫu xe đạt doanh số cao nhất là Vios với 30.000 xe/năm và Hyundai Accent với gần 21.000 xe/năm vào năm 2020. Đây là hai mẫu xe có điều kiện tốt nhất để thúc đẩy nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô.
Theo các doanh nghiệp, trong khi dịch bệnh vẫn hoành hành, nhiều người có nhu cầu mua ô tô sẽ bị hạn chế về năng lực tài chính, ít lựa chọn những dòng xe có giá bán từ 700 triệu đồng trở lên nên dồn vào dòng xe có giá bán từ 600 triệu đồng trở xuống. Vì vậy, những mẫu sedan hạng B đang có lợi thế.
Đó cũng chính là lý do năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng phân khúc sedan hạng B vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, góp phần giúp cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đứng vững.
Sản xuất thụt lùi
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, phân khúc này đang có sự thay đổi. Chỉ có Hyundai Accent vẫn giữ được doanh số ổn định, trong khi Toyota Vios và Honda City sụt giảm. Đáng chú ý, Toyota Vios các năm trước luôn dẫn đầu thị trường với doanh số bán khoảng 2.700-3.000 xe/tháng thì từ đầu năm 2021 đã giảm mạnh, xuống dưới 2.000 xe/tháng.
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sản xuất ô tô gặp khó (ảnh: Thu Ngân) |
Theo các DN, sở dĩ năm 2020 dù gặp khó khăn lớn nhưng phân khúc sedan hạng B vẫn duy trì mức tăng trưởng cao có nguyên nhân quan trọng là do được Nhà nước hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ. Khó khăn do dịch bệnh, người dân chỉ chịu móc hầu bao mua xe khi có nhiều ưu đãi và ưu đãi lớn.
Nhưng sang năm 2021, sự hỗ trợ này không còn nữa, vì vậy, doanh số đang sụt giảm. Nếu kéo dài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể sẽ thụt lùi so với những năm trước.
Thị trường ô tô Việt Nam mới khởi sắc được vài năm, đến 2020 thì bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và năm 2021 cũng tương tự.
Doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước khó khởi sắc. Theo VAMA, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước năm 2020 giảm 1%so với 2019, đấy là còn được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ 6 tháng nửa cuối năm. Năm nay, doanh số bán khó tăng được khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa đủ mạnh. Do vậy sản lượng thấp, doanh nghiệp gặp khó trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xe nội ngày càng bất lợi so với xe nhập khẩu.
Công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn, có đóng góp lớn vào GDP nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể chiếm 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan,... Bên cạnh đó, đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm, chính vì vậy nên luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía các Chính phủ.
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện quá nhỏ, không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong khi, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư. Có nghĩa là một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc/năm.
Mẫu xe có sản lượng lớn nhất tại Việt Nam năm 2020 là Toyota Vios mới đạt 30.000 chiếc, nhưng doanh số năm nay lại đang giảm. Quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư công nghiệp ô tô không đủ mạnh khiến công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp, khó phát triển.
Gặp đại dịch Covid-19, khó khăn lại thêm chồng chất. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đủ hấp dẫn và dài hạn để giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển. Nếu thuế, phí cao thì đó là tận thu chứ không phải nuôi dưỡng nguồn thu và làm thui chột cả ngành sản xuất quan trọng.
Trần Thủy