(TuanVietNam)-Tôi cố đứng quan sát thêm một lúc nữa ánh mắt của mọi người để củng cố thêm nhận định của mình. Có lẽ, đây không phải câu chuyện "lây lan", mà dường như ý chí chung của một dân tộc đang ẩn sâu trong những ánh mắt đó. Đứng ở Cô Lin nhìn sang Gạc Ma, có lẽ người Việt Nam nào cũng có ánh mắt như vậy.

>> Kỳ 1: Chuyện Biển Đông qua mắt GS Cù Trọng Xoay

>> Kỳ 2: Đêm đầu tiên trên biển Đông

>> Kỳ 3: Nhà giàn và những giọt nước mắt giữa biển khơi

>> Kỳ 4: Cuộc thi hoa hậu trên biển

Ánh mắt trên đảo Cô Lin

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong trận chiến quyết liệt để bảo vệ chủ quyền biển đảo với kẻ thù, 64 chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh. 3 người được tìm thấy thi thể và được an táng, còn 61 người thì đã mãi mãi hòa vào sóng nước.

Trong cuộc chiến cam go đó, thuyền trưởng tầu HQ 505 Vũ Huy Lễ đã quyết định cho tầu lao lên bãi Cô Lin để biến con tầu trở thành một cột mốc chủ quyền của Việt Nam tại đảo chìm này. Để đến hôm nay, đoàn chúng tôi mới có thể đến được nơi đây trong hành trình ra thăm Trường Sa của mình.

Tầu HQ936 của chúng tôi neo lại cách đảo Cô Lin khoảng 3km. Tại đây, chúng tôi làm lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ đã ngã xuống năm 1988, trước khi thả xuồng vào thăm các chiến sỹ đảo Cô Lin.

Bầu không khí xúc động nghẹn ngào bao trùm cả đoàn, khi chúng tôi lắng nghe những dòng hồi tưởng về trận đánh ác liệt năm xưa và sự hy sinh anh dũng của các anh. Những nén nhang thơm được thắp lên trên vòng hoa thả xuống biển. Rồi những bông cúc vàng, những bao thuốc lá, bia, nước ngọt, gạo, muối... cũng được thả xuống làn nước xanh trong của biển khơi - nơi một thời đã thấm đỏ máu của các anh.

Tầu HQ936 lại kéo ba hồi còi dài vang vọng cả mặt biển...

Thao tác xuống xuồng lên đảo đã khá quen thuộc với chúng tôi, nên, không lâu sau, cả đoàn đã có mặt tại Đảo Cô Lin. Đón chào chúng tôi là sự hồ hởi của các anh lính đảo.

Nước biển vẫn xanh trong quyến rũ vô cùng, nhưng ở Cô Lin thì quên chuyện tắm biển đi. Bởi đây chính là tiền tiêu của tiền tiêu, trực tiếp đối mặt với kẻ thù rình rập từng giờ từng phút. Quân lệnh được tuân thủ rất nghiêm ngặt.

Anh em trong đoàn chúng tôi hỏi các anh: "Bọn nó đâu ạ?"

Theo hướng chỉ của các anh, xa khoảng hơn 3 hải lý gì đó, chúng tôi có thể quan sát được đảo Gạc Ma bằng mắt thường. Nó được xây tựa như một con tầu chiến bằng bê tông.

Qua ống nhòm, tôi đã thấy được đám lính đang đứng lố nhố trên đảo. Hẳn chúng đang ghen tị với đảo Cô Lin lắm đây, khi mà bên này có bao nhiêu "người nhà" đến thăm, còn bên đó loanh quanh có mỗi một chiếc tầu túc trực đang bơi le ve.

Tôi nhủ thầm: "Đã thế thì các ông mày sẽ vui chơi tưng bừng cho bọn mày thèm bằng chết thì thôi."

Tôi và anh Hồng Kỳ QK4 lại mỗi anh em một cây đàn để đảm nhận phần nhạc. Phần ca hát thì cứ sau một người bên chúng tôi hát sẽ lại có một người bên lính đảo Cô Lin hát "đáp lễ". Cao hứng thì hai bên cùng "song phi", à quên, song ca, một bài cho vui.

Ấn tượng nhất là Phó đảo Cô Lin. Anh luôn là người "quản ca" trong cả chương trình, và đích thân anh solo bài "Ba người lính", với những ca từ dung dị, đáng yêu vô cùng. Cả đoàn vừa bất ngờ, vừa thích thú. Đến mức anh Nghiêm, trưởng đoàn, khi tiến đến bắt tay chúc mừng, đã không ngần ngại tháo luôn chiếc thắt lưng ra đổi cho đồng chí Phó đảo.

Do tính chất bí mật quân sự, chúng tôi không được biết trên đảo có những ai. Chỉ thấy chốc chốc lại có một loạt các anh lính khác lên giao lưu cùng chúng tôi.

Rời khỏi cuộc vui đang rôm rả, tôi lặng lẽ đi dọc những hành lang trên đảo nhìn ra phía các công sự. Loay hoay một hồi, tôi men theo một chiếc cầu thang trèo lên tận tầng cao nhất. Ở đây, có một anh lính ôm súng đứng gác, đầu đội chiếc mũ sắt dễ chừng nặng đến cả ký lô. Thấy tôi, anh quay ra nhoẻn miệng cười: "Chào Giáo sư."


Hát cùng chiến sỹ trên đảo chìm

Nước da nâu bóng vì nắng gió khiến nụ cười của anh thêm tươi, và nổi bật hẳn lên. Đang bận làm nhiệm vụ, anh chẳng nói gì thêm, mắt lại hướng ra phía biển khơi.

Tôi dừng lại khá lâu để quan sát ánh mắt đó, ánh mắt mở to với một cái nhìn gần như bộc lộ đầy đủ cả một ý chí sắt đá kiên cường. Chẳng biết diễn tả thế nào cho chính xác nhất, tôi đành gọi đó là "Ánh mắt trên đảo Cô Lin".

Tôi đứng phía sau người lính gác, nhưng chung một hướng nhìn. Chẳng biết "Ánh mắt trên đảo Cô Lin" đó có lây lan không, mà tôi dường như cảm nhận được rõ ánh mắt của mình cũng đang như vậy.

Bật cười cho phát hiện vui vui đó, tôi leo xuống mấy tầng dưới, và lại đi vòng vèo qua các hành lang. Thật lạ, ở bên phía hành lang cùng góc nhìn với tôi lúc nẫy, tôi lại thấy "Ánh mắt trên đảo Cô Lin" đó dường như xuất hiện trên mọi gương mặt, cho dù chỉ thoáng qua.

Tôi cố đứng quan sát thêm một lúc nữa ánh mắt của mọi người để củng cố thêm nhận định của mình. Có lẽ, đây không phải câu chuyện "lây lan", mà dường như ý chí chung của một dân tộc đang ẩn sâu trong những ánh mắt đó. Đứng ở Cô Lin nhìn sang Gạc Ma, có lẽ người Việt Nam nào cũng có ánh mắt như vậy.

Xuồng chúng tôi rời đảo. Anh lính trên vọng gác cao nhất lúc nẫy đưa tay vẫy vẫy. Vẫn nụ cười tươi rói, và nổi bật trên nước da nâu bóng vì nắng gió. Cảm ơn anh đã cho tôi một phát hiện thú vị - phát hiện về "Ánh mắt trên đảo Cô Lin".

Bất giác, tôi lẩm nhẩm lại mấy câu trong bài hát tôi đã viết ở Trường Sa Lớn: "Đất nước đã yên bình bao năm, nhưng nơi đây, cuộc chiến vẫn chưa ngừng...".

Có lẽ, vậy nên nơi đây sẽ luôn ngời sáng những "Ánh mắt trên đảo Cô Lin".

Biển ngọc

Tôi nhớ khi xưa học cấp 1, cụm từ "rừng vàng, biển bạc" được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong những bài văn. Không hiểu sao, khi nhắc tới cụm từ này, tôi lại nhớ ngay ra hình ảnh những cánh rừng, những dải bờ biển lấp lánh trong nắng mà tôi đã được nhìn ngắm trong hành trình 3 ngày 3 đêm từ Bắc vào Nam trên con tầu Thống nhất, hồi tôi mới 4 tuổi. Công nhận là quá đẹp, và quá đúng là "rừng vàng, biển bạc". Suốt tuổi thơ của mình, lòng tôi cứ lâng lâng với niềm tự hào đó.

Gần đây, nhiều người khuyên là không nên nhắc tới cụm từ "rừng vàng, biển bạc". Họ cho rằng đất nước "rừng vàng, biển bạc" quái gì mà bao năm cứ vật vã với cái nghèo, cái đói. Nói "rừng vàng, biển bạc" mà không thấy xấu hổ với những nước nghèo tài nguyên, nhưng đã thành cường quốc bao năm kia sao, họ lập luận.

Ừ thì thôi, không khoe nữa vậy!


Trên đảo Coolin. Ảnh: Trần Hùng

Tôi nhớ mãi hôm ở Cam Ranh, một bác lãnh đạo đã phát biểu: "Báo cáo các đồng chí, rừng vàng chúng ta đã chặt gần xong rồi, nên đã đến lúc cần phải quay mặt ra biển bạc."

Nghĩ mà lại thương rừng nước mình. Ai bảo giầu có phong phú mà làm gì, thế nên mới nhanh bị chặt hết, nhanh bị bới lên mà tìm tài nguyên. Ngược đời nhỉ?

Thương rừng thì nên thương nốt biển, cố mà giữ lấy biển, tôi nghĩ. (Còn khi giữ được rồi, làm gì tiếp thì tính sau.)

Trong 8 ngày lênh đênh trên biển, lúc đứng trên boong, lúc ngồi trên xuồng, lúc bình minh, lúc hoàng hôn, lúc nắng chói, lúc trăng soi, tôi luôn dành cho mình một chút thời gian để ngắm biển. Ngắm thật kỹ, để nhớ thật kỹ mầu nước biển Tổ quốc mình. Với tất cả vốn từ có thể, tôi nghĩ việc gọi là biển bạc cũng không có gì là quá đáng, hay phải thấy ngượng ngùng gì cả.

Thậm chí, tôi nghĩ nên gọi biển là biển ngọc mới đúng. Bởi mầu nước và sự trong trẻo của làn nước khiến tôi yêu thích, khiến tôi ngưỡng mộ đến không thể nào diễn tả nổi. Chỉ biết nó trong sáng như ngọc vậy thôi.

Hôm đoàn vào đảo chìm Đá Lát để thăm chiến sỹ, ánh nắng buổi sớm chiếu xiên mặt biển khiến biển lấp lánh ánh ngọc. Ngồi trên xuồng, tôi cố nhoài người lấy tay vục một ít nước biển cho vào miệng uống ngon lành.

Phía dưới là từng dải san hô đủ mầu sắc và sống động như một thảo nguyên chìm trong làn nước. Tôi có thể nhìn được cả những chú cá mầu cam đang bơi cách mặt nước khoảng gần 3 mét. Thích quá, lại vục tay làm ngụm nước biển nữa.

Lần này thì mới hiểu tại sao nước ngọt quan trọng cho sự sống đến vậy. Nước biển đẹp thật, nhưng mặn chát.

Sau phần thăm hỏi chiến sỹ, tôi đứng mon men bên bờ kè bê tông của đảo nhìn xuống làn nước: Trong và đẹp quá! Dải san hô khiến mầu biển chuyển từ xanh nhạt đến xanh đậm, chỗ nào cũng trong veo.

Quy định của đoàn là cấm tắm biển. Quân lệnh như sơn, tôi biết vậy. Tôi chợt nghĩ chỉ còn cách ngã xuống biển thì mới có thể bơi được trong cái làn nước quyến rũ kia thôi. Để nguyên quần áo, tôi lọ mọ ra mép nước và... trượt chân, lăn ùm xuống biển.

Từ bé đến giờ tôi đã tắm biển bao lần chẳng nhớ, nhưng tôi biết sẽ nhớ mãi cả đời cái lần tắm này. Bởi đây là lần đầu tiên tôi được bơi cách đất liền cả mấy trăm cây số. Vục mắt xuống làn nước và he hé mắt ra nhìn, tôi thấy đúng là biển ngọc. Tôi còn nhìn thấy rõ cả cái móng chân quên chưa cắt của mình.

Ngẩng mặt lên thì thấy anh em cũng đã thi nhau "ngã" xuống biển, và bơi bì bõm xung quanh. "Lão Đại uý" đứng trên bờ lại nheo nheo mắt: "Chúng mày định chơi trò 'thủ trưởng rút lui là cuộc vui bắt đầu' hả?"

Cả hội thi nhau đi mò vỏ ốc. Những chiếc vỏ ốc xưa phải mua cả đống tiền để về bày tủ ly thì nay chẳng hiểu sao đầy kín quanh đảo. Toàn những chiếc vỏ to và đẹp, tiếc là một số không còn nguyên vẹn. Lạ hơn là một số còn có cả mầu sơn...

Thấy nghi nghi, tôi ngóc đầu lên thắc mắc. Một chú lính trẻ, đang cởi trần đứng nhìn đám dân văn phòng chổng mông mò ốc nẫy giờ, vội giải thích: "Dạ, đây là vỏ ốc bọn em luộc ăn xong vứt ra đấy ạ."

Có vậy chứ. Ngẫm thấy lính đảo khổ nhưng cũng có cái sướng. Cả con ốc to như cái mũ bảo hiểm thế này thì chắc ăn một con là no, thịt chắc ngon ngọt khỏi bàn... Chẹp chẹp chẹp...

Những chiếc áo cờ đỏ sao vàng nổi bật hẳn lên trong làn nước xanh như ngọc. Ảnh: Trần Hùng

Lính đảo ăn ốc, chúng tôi đi mò vỏ, tôi chợt bật cười một mình.

"Vỡ mộng" được làm nhà thám hiểm săn tìm những con ốc quý, tôi đành hì hụp bơi ra phía ngoài xa xa thử xem sao. Nhưng bơi được một đoạn thì chợt thấy khoảng chục con sứa đang dật dờ như những chiếc túi nilon. Quay người 180 độ, tôi bơi vội vào bờ.

Bác Nam già, cũng vừa... ngã xuống biển và đang lóp ngóp bơi theo hướng ngược lại với tôi, lẩm bẩm: "Bỏ mẹ, lại để quên cái điện thoại trong túi rồi."

Một lúc sau, thấy bác vội vàng bơi vào. Chắc là cũng nhìn thấy sứa rồi.

"Lão Đại uý" cũng có vẻ thèm "ngã xuống biển" lắm. Nhưng chả biết là vì gương mẫu, hay vì sợ ướt "bộ củ", trên bờ cứ loe xoe chạy hết khúc này đến khúc kia, miệng thì lúc mắng mỏ, lúc cổ vũ.

Đám bị "ngã xuống biển" lúc nẫy giờ đã tụ tập chụp ảnh, hò hét váng cả một góc đảo. Mấy ông "Dao Phay" nghĩ ngay đến việc phải chụp ảnh lại để gửi về cho một thành viên không được đi. Cho nó thèm chết thôi, chúng tôi cười khoái trá.

Tất cả chúng tôi, chẳng ai muốn lên xuồng để về tầu HQ936 cả.

Những chiếc áo cờ đỏ sao vàng chúng tôi đang mặc nổi bật hẳn lên trong làn nước xanh như ngọc đó. Tôi nhẹ thả mình xuống làn nước trong veo, dòng nước mát tràn vào trong miệng. Vẫn mặn chát.

Một câu hỏi vu vơ tự nhiên hiện lên trong óc tôi: "Tại sao biển mặn thế nhỉ?"

Rồi tôi tự nhủ: "Biển mặn, chắc bởi tình yêu của biết bao người, như tôi, dành cho biển ngọc."

Đinh Tiến Dũng