Một phụ nữ trẻ bỏ trốn khỏi nhóm ‘Nhà nước Hồi giáo’ mới đây đã giải thích vì sao cô từng là thành viên của tổ chức khủng bố này.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Một cuộc phỏng vấn bí mật mới đây của kênh truyền hình CNN hôm 5/10 với một phụ nữ người Syria, 25 tuổi, đã phần nào làm sáng tỏ vào hàng ngũ bên trong của IS – một trong những tổ chức khủng bố dã man nhất trên thế giới.
Khadija (mặc áo choàng đen, bên phải) trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ảnh: CNN |
Cô gái này từng làm cảnh sát tôn giáo của lực lượng IS ở Raqqa, mới đây đã bỏ trốn khỏi lữ đoàn Khansa – một đơn vị của IS gồm toàn phụ nữ.
Đơn vị này thi hành các quy tắc xã hội bảo thủ dựa trên sự giải nghĩa mang tính cực đoan của IS về đạo Hồi – chẳng hạn như đôi khi, Khansa có thể chỉ trích phụ nữ đã không mặc ‘trang phục phù hợp’.
Cô gái có tên “Khadija” từng làm giáo viên tiểu học trước khi cô thuyết phục gia đình chuyển tới Raqqa, ‘thủ phủ của IS’ tại Syria. Đây là nơi cô đã gặp một cảm tình viên của IS người Tunisia – người đã cầu hôn cô qua mạng xã hội.
“Tôi thường xuyên liên lạc với chị họ của tôi, và cô ấy nói tôi có thể gia nhập với họ ở lữ đoàn Khansa. Chị ấy sống ở Raqqa với chồng và đó cũng là người của IS” – Khadija nói.
Khadija đã giải thích một cách duy lý sự hấp dẫn ban đầu của cô đối với IS. Cô coi IS là một sự mở rộng của làn sóng chống đối tại Syria bùng phát từ 3/2011 – thời điểm được cho là chương cuối của Mùa xuân Ảrập, chứ không phải là mở đầu cho một cuộc nội chiến kinh hoàng.
Người tuyển mộ Khadijar có quốc tịch Tunisia cũng nhấn mạnh tới việc nhóm này sẽ lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad như thế nào. "Anh ta nói rằng: Chúng ta sẽ thực thi đạo Hồi một cách đúng đắn. Giờ đây chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, một giai đoạn cần kiểm soát đất nước. Do đó, chúng ta phải tàn nhẫn" – Khadija kể lại.
Cô có nhiệm vụ đi tuần trên các con phố, có vũ khí bên người và ban đầu cảm thấy hài lòng với phận sự được trao. Nhưng rồi Khadija vỡ mộng trước sự tàn bạo của IS.
“Có những vụ việc mà người vợ phải đi cấp cứu vì bị đánh đập, bạo hành tình dục” – Khadija ám chỉ đặc biệt tới những tay súng người nước ngoài.
Cô cũng chứng kiến tận mắt cảnh một người đàn ông bị chặt đầu.
“Tôi nói đủ rồi, sau khi chứng kiến mọi chuyện và phải im lặng suốt chừng đấy thời gian” – Khadija nói.
Buổi phỏng vấn đặc biệt giá trị trong việc phơi bày những lằn ranh nhạt nhòa đang lan tỏa khắp khoảng trống về quyền lực tại Syria.
Tại một điểm khác, dường như IS có thể thuyết phục được một số người Syria bị vây hãm rằng ‘Nhà nước Hồi giáo’ là một sự thị uy hiện hữu của cuộc đấu tranh chống chính quyền Syria.
Nhưng rồi Khadija đã cho thấy điều đó phản tác dụng như thế nào, và các chiến thuật của IS tàn bạo tới mức khiến cho những binh sĩ từng một lòng trung thành rốt cuộc cũng phải bỏ chạy khỏi tổ chức này.
Lê Thu