Lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á. Di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới một phần ba trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào những năm gần đây. Trước xu thế đó việc đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản của lao động di cư được xác định là một trong những trọng tâm công tác của ASEAN đến năm 2025.

Di cư là sự tất yếu và là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho nước tiếp cử và phái cử, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ, tăng cường kỹ năng và tăng trao đổi ngoại tệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, di cư cũng mang đến cả những thách thức cho nơi đi và nơi đến. Nữ lao động di cư vẫn còn phải chịu nhiều bất công, đối mặt với nhiều rào cản từ các định kiến giới; tỷ lệ người lao động di cư là nữ giới còn thấp hơn nam giới và tập trung vào công việc mang lại giá trị thấp như nhân viên chăm sóc, giúp việc gia đình...

hoithao.png
Quang cảnh hội thảo quốc tế di cư và sức khỏe người di cư ASEAN

Đặc biệt, người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương. Sức khỏe người di cư là một trong những trọng tâm ưu tiên y tế của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sức khỏe người di cư là một ưu tiên trong lĩnh vực Y tế của ASEAN và trong Chương trình nghị sự về Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015. Năm 2022, ước tính số người di cư quốc tế là 281 triệu người. Các luồng di cư thế giới chủ yếu là từ Bắc xuống Nam, từ Nam đến Nam bán cầu và từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Số người di cư được sinh ra ở Châu Á chiếm khoảng 106 triệu người.

Theo Liên hợp quốc, số người di cư quốc tế của ASEAN là 10,2 triệu người, trong đó nữ giới chiếm 45,8% với độ tuổi trung bình là 32,4 tuổi. Di cư mang lại những lợi ích tích cực như góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới, Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên ASEAN nằm trong top 20 quốc gia Châu Á nhận kiều hối quốc tế năm 2020.

Tuy nhiên, di cư cũng mang đến những thách thức cho cả nơi đến và nơi đi như thiếu hụt lao động ở nơi đi, các dịch vụ xã hội, an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh… Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, việc làm, y tế, nhà ở, nước sạch và an ninh…

Không thể phủ nhận, vai trò của người di cư đã được khẳng định đối với phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của nước đến. Vì vậy làm thế nào để các quốc gia thành viên ASEAN có thể hợp tác cùng nhau cũng như với các đối tác phát triển di cư trên thế giới nhằm đem đến cho người di cư quyền lợi và sức khỏe tốt nhất.

Nhóm PV