Với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2021, Bruney đã công bố chủ đề năm 2021 của ASEAN, là: “Chúng ta quan tâm; Chúng ta chuẩn bị; Chúng ta thịnh vượng” ("We Care, We Prepare, We Prosper").

Tại Hội nghị, các nước đánh giá cao và chúc mừng Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, dẫn dắt ASEAN duy trì đối thoại, hợp tác và ứng phó kịp thời, hiệu quả với những khó khăn, thách thức chưa từng có với bối cảnh thách thức đặc biệt chưa từng có tác động tiêu cực tới toàn cầu cũng như khu vực, bởi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Đại diện ngoại giao các nước ASEAN khẳng định, cần tiếp tục nỗ lực để triển khai hiệu quả các ưu tiên, sáng kiến và chương trình hợp tác đã thoả thuận trong năm 2020, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.

Theo nhận định, năm 2021 tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước ASEAN cần phải củng cố đoàn kết, gắn kết, tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, phát triển bền vững và kết nối, tận dụng hiệu quả cách mạng 4.0; sử dụng cơ chế đa phương để giải quyết những khó khăn, thách thức thế giới và khu vực phải đối mặt; làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài, đi đôi với mở rộng phù hợp quan hệ với các đối tác mới; duy trì và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ do ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và ADMM+.

Các nhà ngoại giao ASEAN cho rằng, cần tái khẳng định tầm quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trên nguyên tắc kiềm chế, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.

{keywords}
Đoàn Việt Nam dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) trực tuyến.

Đại diện ngoại giao Việt Nam cho rằng: ASEAN cần triển khai hiệu quả sáng kiến thỏa thuận năm 2020 về ứng phó với Covid-19; sớm hoàn tất kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN cũng như nghiên cứu, triển khai các kết quả, khuyến nghị thu được từ quá trình kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; khẩn trương bắt tay xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Ưu tiên cao cho hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm Đặc trách về Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) năm 2021, Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển trong các tiểu vùng nhằm thúc đẩy phục hồi bền vững và phát triển công bằng.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Việt Nam khẳng định, đóng góp cho hòa bình, ổn định là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong khu vực. Do vậy, ASEAN cần có tiếng nói thống nhất, đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung những năm qua, đặc biệt, cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trên tinh thần đó, Việt Nam khẳng định, ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên để thực hiện các sáng kiến ưu tiên năm 2021 do nước Chủ tịch ASEAN 2021-Bruney khởi xướng.

Duy Khánh