Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trong gặp gỡ riêng với nhóm phóng viên đến từ các nước ASEAN đã trao đổi xung quanh “ván bài” COC giữa ASEAN và Trung Quốc hiện nay. Vị Tổng thư ký ‘cảnh tỉnh’ một thực tế: các cường quốc sẽ không nhảy vào cuộc xung đột này này nếu như trong nội bộ ASEAN thực sự có giải pháp cho chính các bất đồng của riêng mình.


- Ông có bình luận gì về việc mới đây Trung Quốc mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) 1982?

Tôi không biết chính xác có bao nhiêu khu vực được mời thầu ở Việt Nam cũng như có bao nhiêu quốc gia có những hành động tương tự như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang cố gắng xây dựng là một môi trường, một văn hóa hành xử theo luật định. Đối với những bất đồng, chúng ta có thể trích dẫn các quy tắc, và không để sự việc trôi qua mà không chuyển giao cho những người có thẩm quyền xem xét hoặc khuôn khổ để giải quyết các bất đồng. Đó là những gì mà chúng ta hiện có. Cho dù xung đột hoặc hiểu lầm trong một vấn đề cụ thể là gì thì chúng ta vẫn phải giải quyết trên tinh thần đó.

Đôi khi sẽ có những chuyện như vụ bắn người tại bãi cạn Scouborough trong vài tháng trước, nhưng cuối cùng thì các bên sẽ phải cam kết và trở lại với biện pháp ngoại giao và mọi chuyện sẽ có vẻ nằm trong tầm kiểm soát. Và đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể làm để cùng nhau dần dần đi tiếp, và cùng xây dựng lòng tin ở nhau, cùng tạo nên cách thức, khuôn khổ để cho các bên thấy rằng họ đang lãng phí biện pháp ngoại giao tại khu vực Đông Nam Á, cách thức đối thoại, đàm phán để giải quyết các vấn đề này, khi để cho rơi vào một nguy cơ xung đột bạo lực vốn không có lợi cho bất kỳ ai.

Tôn trọng, giám sát cam kết

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan

- Ông có cho rằng bộ Quy tắc ứng xử COC sẽ là giải pháp bền vững cho tranh chấp tại Biển Đông hay không?

Tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì giải pháp bền vững nhất cho vấn đề này sẽ phải đạt được thông qua đối thoại và thỏa thuận song phương. Hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN đều liên quan tới tuyên bố/ phản đối chủ quyền tranh chấp lãnh thổ. Những gì mà ASEAN đang cố gắng làm là kiềm chế, kiểm soát xung đột tiềm tàng có thể tác động tới ổn định và an ninh trong khu vực.

Không phải tất cả các quốc gia ASEAN liên quan tới vấn đề này, nhưng ASEAN coi đây là mối quan tâm chung của cả khu vực mà muốn nhìn thấy cả khu vực này, cả vùng biển này được quản lý một cách hiệu quả. Chúng ta không muốn chứng kiến xung đột nổ ra và biến thành bạo lực, vì nó không tốt cho bất kỳ ai, kể cả với Hàn Quốc, Nhật Bản, cho Trung Quốc và tất nhiên là cho cả ASEAN, và rất nhiều nước khác – những quốc gia phụ thuộc vào vùng biển này. Ai cũng có quyền lợi và chính xác là khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng hơn với thế giới so với trước kia. Không ai có thể để cho lợi ích đó nằm rơi vào căng thẳng, lo ngại như vậy.

Lúc này tôi cảm thấy khá hài lòng vì chúng ta đang thảo luận về bộ Quy tắc Ứng xử (COC), nhưng việc này cần thời gian. Và thực tế chúng ta đang soạn thảo COC cũng có nghĩa là chúng ta cam kết mang lại hòa bình. Và tự bản thân việc đó đã có tác động tâm lý lên mọi người, mọi quốc gia. Nhưng nên nhớ rằng rốt cuộc thì giải pháp cuối cùng cho các quốc gia có xung đột (về chủ quyền) vẫn phải thông qua hoạt động song phương. ASEAN sẽ không thể can dự vào cuộc xung đột này với tư cách là một phần trong cuộc xung đột. ASEAN có thể đưa ra các diễn đàn của mình, không gian và cách thức cho các bên đối thoại. Nhưng rốt cuộc là vấn đề giữa các quốc gia sẽ vẫn phải giải quyết thông qua đàm phán song phương.

- Theo ông, các siêu cường sẽ tham gia ở mức độ như thế nào trong việc soạn thảo COC?

Về việc soạn thảo COC, có một tin mừng là người Trung Quốc bày tỏ quan tâm tham gia vào quá trình soạn thảo COC. Họ muốn được biết ngay từ ban đầu về những việc mà chúng ta làm, những yếu tố mà họ nghĩ là nên bao hàm trong bộ Quy tắc Ứng xử. Nên nhớ là không phải tất cả các cường quốc mà tôi biết đều quan tâm tới vấn đề này.

Phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta không có một thể chế, một hệ thống như ở châu Âu để xây dựng những việc này ngay từ lúc ban đầu. Và chúng ta phải xây dựng một hệ thống như thế từ một môi trường có đầy sự khác biệt giữa các quốc gia lớn với quốc gia nhỏ; quốc gia phát triển và đang phát triển; quốc gia xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ ‘ồn ào’. Tất cả những sự đa dạng này đều tồn tại trong cùng một ASEAN. Làm thế nào để duy trì được sự đa dạng đó luôn là một trong những vấn đề phải xem xét khi chúng ta cân nhắc mọi việc.

- Vậy ông có nghĩ rằng chúng ta nên mời Mỹ cùng tham gia vào quá trình soạn thảo COC để cân bằng sự ganh đua giữa các siêu cường trong khu vực?

Tôi nghĩ có thể nên hiểu theo cách này: Càng ít bên tham gia thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Tôi nghĩ rằng nếu như các bên trong khu vực cùng làm việc với nhau trong một khoảng thời gian nhất định, mọi việc có thể sẽ đơn giản hơn. Nhưng nói thế không có nghĩa là những người khác không có quyền quan tâm tới những gì mà chúng ta đang làm, không có nghĩa rằng họ không thể đến, cùng ngồi vào bàn làm việc và tham gia vào việc soạn thảo COC. Chúng ta có các văn kiện toàn cầu như Công ước Luật biển của LHQ, các văn kiện luật quốc tế khác, thực tiễn và truyền thống ngoại giao để đưa ra các giới hạn cho riêng chúng ta trong việc xây dựng nên Quy tắc Ứng xử của khu vực.

- Trong khi Trung Quốc đã cam kết giải quyết vấn đề biển Đông theo cách thức mang đầy tính ngoại giao, thì liệu ASEAN đã phát triển một cơ chế can thiệp nào hay chưa nếu như căng thẳng ở bãi cạn Scarborough trở nên nghiêm trọng hơn? Và nếu trong trường hợp Trung Quốc không ưng thuận với nội dung bản thảo của COC hoặc các điều khoản trong đó, liệu ông có thể đưa ra một lời đảm bảo nào rằng ASEAN sẽ không chiều theo ý của Trung Quốc?

Tôi nghĩ rằng trong bất kỳ nỗ lực nào trong việc xây dựng nên một bộ quy tắc ứng xử, không thể có được một câu hỏi chắc chắn rằng việc này hay việc kia sẽ xảy ra, bên này hay bên kia sẽ cam kết hoặc có bên nào sẽ trệch hướng khỏi cam kết này. Nhưng lý tưởng nhất là để thiết lập điều gì đó chung thì cần các bên phải có sự tôn trọng. Và điều đó sẽ phải được giám sát, thực thi trong một phương thức mà các bên sẽ phải tuân thủ và hành động theo đúng các tuyên bố mà họ đã đồng thuận.

Một thỏa thuận tức là một văn kiện. Và văn kiện đó phải được sử dụng. Mọi người có thể có bất đồng trong việc cắt nghĩa một văn kiện, điều này vẫn có thể xảy ra. Tôi cho rằng khó có thể nói rằng tất cả những thứ này sẽ giúp giải quyết hết tất cả mọi vấn đề. Nhưng cần phải xác định rằng lợi ích chung của cả khu vực: đó chính là hòa bình.

Không thể phụ thuộc nước lớn

- Thực tế cho thấy một số quốc gia thành viên của ASEAN có liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông đang chi nhiều tiền mua sắm vũ khí và củng cố lực lượng vũ trang. Ông có cho rằng thực tế này tiềm ẩn nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực?


Tôi nghĩ rằng rất nhiều quốc gia đang đầu tư nhiều hơn cho vũ khí. Đó là thực tế, và không chỉ ở Đông Nam Á. Có thể thấy điều này ở nhiều nơi, chẳng hạn như Ấn Độ cũng đang đầu tư cho vũ trang. Tôi cho đó là một thực tế phản ánh mức độ thành công về kinh tế của họ: rất nhiều nguồn lực được dồn vào xây dựng quốc phòng. Vì các quốc gia muốn cảm thấy tự tin hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình.

Tôi nghĩ rằng đó là một quá trình phát triển tự nhiên, nhưng ở một số khía cạnh thì đó cũng có những giới hạn nguy hiểm. Nhưng, tốt hơn là nên giải quyết các bất đồng của chúng ta thông qua biện pháp ngoại giao như cách mà ASEAN đang cố gắng làm. Tất nhiên, chẳng ai có thể ngăn một số quốc gia đang muốn chi nhiều tiền cho những ‘món đồ chơi đắt tiền’. Còn đúng là chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng lên, tôi không có con số thống kê cụ thể ở đây, nhưng mọi người đều có thể cảm nhận và nhìn thấy điều này, cũng như đọc trên các phương tiện truyền thông.

- Ông đánh giá thế nào về tác động từ sự thay đổi trong chiến lược hướng Á của Tổng thống Mỹ Obama đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong khía cạnh an ninh?


Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm, chú ý và sự tham gia trở lại của đối tác bên ngoài khu vực. Vì khu vực này cần một số yếu tố có thể mang lại sự đảm bảo và đoan chắc một khi các xung đột và căng thẳng tiềm tàng có thể dẫn đến việc can dự từ bên ngoài. Và các mối quan tâm, chú ý từ bên ngoài đối với các vấn đề của khu vực này một lần nữa phản ánh tầm quan trọng của chúng ta và cả sự mất ổn định tiềm tàng mà chúng ta có thể phải đối mặt nếu như không thể tự kiểm soát được các vấn đề của riêng mình.

Đôi khi, ngay cả giữa các thành viên trong khu vực sẽ có quốc gia cảm thấy do dự, số khác lại thấy dè dặt hoặc bị động… nhưng khi có một số thực tế từ bên ngoài tác động vào thì nó sẽ khiến chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về khả năng cùng làm việc với nhau để đạt được một giải pháp phù hợp cho vấn đề của riêng khu vực này.

Tôi nhìn nhận các mối quan tâm từ bên ngoài là một nhân tố tích cực. Tôi chỉ mong rằng chúng ta có thể cùng nhau cân bằng các tác động trên một cách hiệu quả. Tôi cũng mong rằng ASEAN có thể đóng vai trò là điểm tựa trong cuộc chơi của các cường quốc một cách hiệu quả. Do vậy, tôi cho rằng câu hỏi sẽ được đặt trở lại về phía chúng ta, là: Liệu chúng ta đã thực hiện vai trò đó một cách hiệu quả hay chưa? Chúng ta tuyên bố rằng mình phải đóng vai trò trung tâm, và cũng nhận được nhiều ‘tiếng thơm’ về việc này. Nhưng liệu chúng ta đã làm hết sức mình để đạt được sự công nhận đó khi đóng vai trò là trung tâm cho cả khu vực?

Chúng ta không thể gạt mọi người đứng sang một bên, vì rõ ràng là họ cùng thuộc về một tuyến hàng hải quốc tế, và vì họ cùng ở trong một không gian mở. Chúng ta không có văn kiện nào nói rằng: đây là lãnh địa của riêng chúng tôi, đừng có bước vào! Nhưng thực tế hầu như là họ đã bước vào, và thúc đẩy chúng ta xích lại gần nhau hơn, cố gắng xử lý các bất đồng giữa chính các thành viên và làm việc với nhau hiệu quả hơn. Về khía cạnh này thì cuối cùng chúng ta không cần phải phụ thuộc vào họ, cũng không cần họ bước vào nếu như chúng ta thực sự tin tưởng rằng vấn đề sẽ được giải quyết một cách thấu đáo trong nội bộ. Đây là điều mà tôi tin rằng châu Âu đã thành công và ASEAN có thể tham khảo từ bài học này.

Thu Lượng cùng nhóm phóng viên ASEAN thực hiện