Theo Financial Times, chính phủ nhiều quốc gia từ Mỹ, Ấn Độ cho đến Australia cảnh báo nguy cơ các ngành công nghiệp trọng yếu rơi vào tay Trung Quốc khi cổ phiếu của hàng loạt công ty lớn lao dốc nghiêm trọng trong dịch Covid-19.
Việc giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm dẫn tới nguy cơ chúng bị Trung Quốc thâu tóm. Một số nước đề ra những biện pháp bảo hộ mới, bao gồm siết chặt đánh giá đầu tư nước ngoài, thậm chí chính phủ cân nhắc mua cổ phần của những công ty chiến lược.
Tháng trước, bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố các quốc gia khu vực cần cân nhắc mua cổ phần tại các công ty để tránh nguy cơ chúng bị Trung Quốc thâu tóm.
Trên Foreign Policy, chuyên gia Elisabeth Braw thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh nhận định hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ mở cuộc "săn lùng" các công ty gặp khó trong dịch Covid-19 và đây là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với phương Tây.
Cao ủy phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính phủ các nước khu vực mua cổ phần những công ty quan trọng để tránh nguy cơ chúng bị Trung Quốc thâu tóm. Ảnh: Reuters. |
Chiến dịch thâu tóm ồ ạt
Chuyên gia Braw cho biết năm 2017, một công ty con của China Reform - hãng đầu tư thuộc chính phủ Trung Quốc - mua lại hãng công nghệ Anh Imagination hồi năm 2017. Khi đó, chính phủ Anh không can thiệp. Đầu tháng 4, China Reform đòi chỉ định 4 giám đốc trong hội đồng quản trị Imagination.
Điều đó đồng nghĩa với việc China Reform trực tiếp nắm quyền kiểm soát Imagination. Các nghị sĩ Quốc hội Anh phản ứng quyết liệt, buộc China Reform phải từ bỏ kế hoạch này.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, hàng loạt công ty kinh doanh trong những lĩnh vực trọng yếu như công nghệ sinh học và điện tử không có nguồn vốn dồi dào như Imagination. Và nhóm doanh nghiệp này tê liệt trong dịch Covid-19. Một khảo sát với 10.000 công ty Nhật Bản cho thấy 63% thừa nhận dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh năm nay.
Imagination là một phần trong chiến dịch thâu tóm ồ ạt tại Bắc Mỹ và châu Âu của Trung Quốc trong vài năm qua. Năm 2019, các tổ chức Trung Quốc đầu tư gần 13 tỷ USD vào các nước EU, chủ yếu là trong những hợp đồng sáp nhập. Năm 2018, phía Trung Quốc đổ 25 tỷ USD vào Mỹ.
Theo chuyên gia Braw, sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh giúp các công ty Trung Quốc dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế, trong các giai đoạn như năm 2003, 2006 và khủng hoảng tài chính 2008-2009, các tổ chức Trung Quốc cũng từng mua lại nhiều doanh nghiệp suy yếu ở phương Tây.
Các nghị sĩ Quốc hội Anh ngăn chặn tổ chức đầu tư China Reform thuộc nhà nước Trung Quốc nắm quyền kiểm soát hoàn toàn hãng công nghệ Imagination. Ảnh: Financial Times. |
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc chủ yếu tập trung mua lại những công ty công nghệ và nghiên cứu kỹ thuật cao. Đây là một phần trong chiến lược "Made in China 2025", theo đó Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc công nghệ, sản xuất và robot. "Trung Quốc muốn nhảy vọt và bỏ lại các đối thủ nước ngoài ở phía sau", chuyên gia Max Zenglein và Anna Holzmann thuộc Viện Mercator (Đức) nhận xét.
Mua các công ty phương Tây là một phần quan trọng trong chiến lược đó. Báo cáo năm 2019 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển cho thấy phía Trung Quốc đã tăng tốc mua các công ty Thụy Điển từ năm 2014. Hơn 50% thương vụ sáp nhập nằm trong phạm vi ưu tiên của chiến lược "Made in China 2025".
Chuyên gia Braw cho biết Bắc Âu - quê nhà của vô số công ty công nghệ quy mô nhỏ - hiện là mục tiêu đầu tư số một của Trung Quốc tại châu Âu. Một báo cáo khác của Viện Mercator cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển - đặc biệt trong những lĩnh vực nhạy cảm - với đối tác phương Tây.
Không thể chần chừ
Chính phủ Mỹ đã siết chặt kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ an ninh quốc gia. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hiện đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra các thương vụ sáp nhập có tính nhạy cảm về an ninh quốc gia.
EU không có một cơ quan như CFIUS, nhưng hồi đầu tháng Đức ra luật buộc cơ quan quản lý giám sát chặt các khoản đầu tư có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Chính phủ Anh kiểm tra nghiêm ngặt các thương vụ sáp nhập trong những lĩnh vực như quân sự, điện toán, công nghệ lượng tử...
Chuyên gia Braw cho biết vấn đề là nhiều công ty công nghệ cao ở phương Tây không hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Chúng chỉ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ quan trọng với nền kinh tế. Ví dụ, các hãng sản xuất máy thở Mỹ và châu Âu đang đóng vai trò cực lớn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nhiều nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong dịch, và hoàn toàn có thể bị một tổ chức Trung Quốc hỏi mua. Trong tình huống đó, khó có khả năng hội đồng quản trị công ty nói không với lợi nhuận. Theo Bloomberg, một số ngân hàng Trung Quốc thông báo nhiều tổ chức nước này đang vay tiền để mua lại công ty châu Âu.
Nhiều quốc gia phương Tây đã thông qua gói cứu trợ để bảo vệ doanh nghiệp. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ. Không phải ngẫu nhiên mà Cao ủy cạnh tranh Margrethe Vestager đề xuất các nước EU mua cổ phần một số công ty trọng yếu nhằm ngăn chặn mối đe dọa thâu tóm từ Trung Quốc.
Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn sau dịch Covid-19, do đó có ưu thế để theo đuổi các thương vụ đầu tư chiến lược ở nước ngoài. Ảnh: SCMP. |
"Chính phủ Anh cần giám sát chặt, không chỉ với các công ty lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ", bà Ruth Smeeth, thành viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Anh khẳng định.
Trong khi đó, doanh nhân Sven-Christer Nilsson, cựu CEO Ericsson - tập đoàn viễn thông khổng lồ của Thụy Điển - cho rằng EU cần sớm thành lập một cơ quan giống CFIUS. Các nước thành viên EU cũng nên thiết lập cơ chế giám sát tương tự.
"Nếu chần chừ, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh phía Trung Quốc chèo kéo các công ty châu Âu với những thỏa thuận không thể từ chối", ông Nilsson cảnh báo. Bà Smeeth cũng cho rằng dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong môi trường an ninh châu Âu, do đó chính sách quản lý mua bán và sáp nhập của EU cũng cần thay đổi.
(Theo Zing)