Sau trận lũ, không trồng được lúa, bà con Nghĩa Đô chuyển nhanh sang trồng dâu
Hơn 01 năm trước, cánh đồng này ngập trong bùn cát và ngổn ngang đá sỏi và ngày hôm nay đã mướt xanh với ngô, khoai, hoa màu. Những khó khăn sau trận lũ dữ mấy năm trước đang dần lùi xa và những hạt phù sa mà dòng suối Nậm Luông để lại sau cơn thịnh nộ ấy, đã vun đắp cho những mùa vụ xanh tươi. Không trồng được lúa, bà con thay thế trồng cây hòa màu, trồng ngô, trồng khoai và chuyển một phần sang trồng dâu nuôi tằm.
Xã Nghĩa Đô bắt đầu triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm từ năm ngoái, đến nay toàn xã đã trồng 33 ha cây dâu với 145 hộ tham gia nuôi tằm lấy kén. Người dân được HTX cung cấp giống cây dâu và con tằm giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén tằm theo giá thị trường.
Bà con Nghĩa Đô năng động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo. |
Bà Lương Thị Điển, thôn Bản Lằng, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Trận lũ đi qua, làm ảnh hưởng rất lớn, chúng tôi cũng cải tạo ruộng, rồi huyện vận động không cấy được lúa thì chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật thì huyện xuống hướng dẫn. Người dân chúng tôi cùng cố gắng, đến bao giờ làm được mới thôi".
Người dân được hợp tác xã Tiến Đạt cung cấp giống cây dâu và con tằm giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén tằm theo giá thị trường.
Tuy nhiên, thời gian qua do mô hình mới được triển khai nên người dân chưa nắm vững quy trình kỹ thuật dẫn đến con tằm dễ phát sinh dịch bệnh, không đạt lợi nhuận kinh tế, ảnh hưởng đến chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Bởi vậy, UBND xã Nghĩa Đô đã phối hợp với hợp tác xã Tiến Đạt tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho người dân trên địa bàn.
Theo tính toán, với giá 100.000 đồng/kg kén (giá sàn được hợp tác xã ký kết với người dân), mỗi năm người trồng dâu nuôi tằm có thể thu về hơn 250 triệu đồng/ha trồng dâu.
Người dân chủ động, sáng tạo
Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế rừng của gia đình và nhu cầu của người dân địa phương, cách đây hơn 2 năm anh Hoàng Văn Tuyên ở thôn Nà Khương, xã Nghĩa Đô đã đi học hỏi và thực hiện mô hình ươm cây giống lâm nghiệp. Sau 1 năm đầu vừa làm vừa học hỏi đúc rút kinh nghiệm, đến nay trung bình mỗi năm anh Tuyên cung ứng ra thị trường khoảng 10 vạn cây giống lâm nghiệp. Từ mô hình kinh tế này cộng với trồng rừng, mỗi năm gia đình anh có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng.
Anh Tuyên chia sẻ: "Tôi đi nhiều nơi, nhìn thấy họ làm được tôi nghĩ sao dân mình không làm được. Tôi về bàn với vợ đi học hỏi kinh nghiệm để làm, năm đầu thu nhập không ổn định, nhưng đến nay thì mô hình gieo ươm cây giống đã cho thu nhập khá, từng bước cải thiện cuộc sống của gia đình".
Mô hình trồng cây hạt dổi của anh Hoàng Văn Điệp ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô cũng là một trong những mô hình kinh tế mang lại những tín hiệu mới. Với hơn 20 gốc hạt dổi hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, chắc chắn sang năm gia đình anh Điệp sẽ được thu hoạch hạt. Từ nhu cầu lớn của thị trường như hiện nay, mô hình kinh tế mới này hứa hẹn mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định.
Theo anh Điệp, "tôi mong muốn chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp, có thu nhập cao, đưa cây hạt dổi thành mô hình phát triển kinh tế ở xã, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao hơn và kinh tế của xã phát triển hơn. Thời gian tới, các hộ gia đình tại địa phương nếu muốn trồng thử nghiệm mô hình này thì tôi sẽ hỗ trợ đặt mua cây giống để phát triển lên".
Từ sự năng động trong thực hiện phát triển kinh tế nên đời sống của Nhân dân trên địa bàn xã Nghĩa Đô đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30%, đây là động lực để địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách đồng hành cùng Nhân dân thực hiện phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới. Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết: "Xã đã xây dựng kế hoạch khuyến khích người dân thực hiện phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững, thực hiện lấy ngắn nuôi dài như: Trồng dâu, nuôi tằm, nuôi thủy sản...đồng thời thực hiện tốt công tác hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho nông dân".
Với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm không cam chịu đói nghèo của người dân, chắc chắn kinh tế, xã hội trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên sẽ ngày càng khởi sắc, vươn lên.
Bích Hạnh