“Tôi vốn không phải là nông dân mà là người làm công tác giáo dục nghỉ hưu và thích trồng cây”, lời giới thiệu của bà giáo ở tuổi ngoài 70 Trần Thị Việt Anh thu hút sự quan tâm của cả khán phòng đang tham gia Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023”.

Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng được thành lập cách đây 4 năm với 25 thành viên (nay còn 17 thành viên chính thức), đã và đang là “điểm tựa” cho nhiều nông dân ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

“Khi biết tôi định trồng cây ăn trái trên vùng đất nước mặn, nhiều người cho rằng đó là điều không thể. Thế nhưng xin báo tin mừng, vùng đất này trồng được cả sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nho… Hiện nay chúng tôi thành công được nhiều loại cây, tổng diện tích khoảng 50ha với 15 vườn, trong đó đặc trưng là cây bưởi da xanh. Tại khu trưng bày bên lề hội nghị lần này, chỉ trong vòng nửa ngày và 2 đêm, chúng tôi tiêu thụ gần nửa tấn bưởi với giá 30.000 đồng/kg. Mời mọi người đến thử xem trái bưởi da xanh Cà Mau có đạt chất lượng như “vua bưởi” của Bến Tre hay không”, bà Việt Anh vừa cười vừa kể.

Được biết, trước đó, bà Việt Anh đã dành rất nhiều thời gian đi tới tận các vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Bến Tre để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống. 

sach khanh hung 2.jpg
Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng được phát triển theo mô hình hữu cơ. 

Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng được phát triển theo mô hình hữu cơ. Các thành viên đều tuân thủ các yếu tố về giống, phân bón, kỹ thuật trồng trọt… theo quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trước khi vào Hợp tác xã, các thành viên trồng cây một kiểu, kinh doanh nhỏ lẻ, bấp bênh về đầu ra, năng suất và hiệu quả không cao. Từ khi vào Hợp tác xã, hiệu quả tăng lên rõ rệt.

Năm 2022, sản phẩm bưởi da xanh ruột hồng của Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng được chứng nhận 3 sao OCOP của tỉnh Cà Mau, tạo thêm niềm tin và động lực cho các thành viên tiếp tục duy trì mô hình sản xuất này. 

Quá trình để được công nhận OCOP không hề đơn giản, khi các thành viên Hợp tác xã đều là nông dân đã có tuổi, khó có thể nhanh chóng tiếp thu kiến thức và thực hiện đúng các quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng đã thu “trái ngọt”.

Sản phẩm của Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng hiện đã được nhiều người tiêu dùng biết tới, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài tỉnh Cà Mau. 

Tuy nhiên, với một đơn vị sản xuất nhỏ chưa có nhiều kiến thức kinh doanh thì khó khăn còn rất nhiều ở phía trước.

“Chúng tôi đang phải đối diện với thực tế khó khăn trong khâu tiêu thụ khi trái bưởi ở vùng miền Đông xuống đây chỉ có 15.000 đồng/kg. Nếu sản xuất mà không tiêu thụ được, nhất là ngành trồng cây ăn trái, thì ảnh hưởng rất lớn”, bà Việt Anh băn khoăn.

“Tâm huyết của tôi khi bắt tay vào sự nghiệp trồng cây là muốn người Cà Mau ăn được trái cây sạch của Cà Mau. Trong nền kinh tế hàng hóa, chúng ta không thể “ngăn sông cấm chợ được”, nhưng ít ra chúng ta cũng có thể can thiệp bằng một cơ chế, chính sách nào đó, chẳng hạn yêu cầu các hệ thống siêu thị Cà Mau có góc trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương với mức chiết khấu phù hợp. Mặt khác, khi đụng đến giấy tờ thủ tục và những vấn đề liên quan tới kinh tế 4.0, chúng tôi hết sức lúng túng. Rất mong được hỗ trợ để chúng tôi kết nối dễ dàng hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, qua đó động viên chúng tôi tăng gia sản xuất hơn nữa”, bà Trần Thị Việt Anh đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV