Ăn Tết cùng dân bản

Thời gian chúng tôi đi sơ tán ở Lạng Sơn không lâu nhưng rơi vào thời điểm có chiến tranh. Vì vậy, khoảng thời gian đó trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Thế nhưng, là thanh niên chúng tôi phải phấn đấu để vượt qua. 

Chúng tôi biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau... Không ai kêu ca, than thở mà cố gắng thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn như, lúc ở Hà Nội, chúng tôi được dùng điện nhưng lên Lạng Sơn phải dùng đèn dầu và ánh lửa nhà sàn để thắp sáng. Ở Thủ đô, chúng tôi có phòng tắm ở các nhà tập thể, lên đây dù ngày lạnh đều phải vui vẻ tắm suối, tắm sông.

Tết năm 1965 – 1966, đa số chúng tôi chọn ở lại ăn Tết với dân bản. Ngày cuối của tháng Chạp, cả nhóm rủ nhau ra sông Kỳ Cùng tắm tất niên. Đoạn sông này rộng, có chỗ sâu, chỗ nông. Cuối đông, trời lạnh, mặt sông có nhiều hơi nước bay là là như mây như khói.

anh 3 nha tho xuan dieu.jpg
Đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: T.L/Dân Việt

Ở Lạng Sơn, tôi không bị phân tán tư tưởng, có điều kiện để tư duy một ít về văn thơ phản ánh cảnh vật và cuộc sống. 

Chẳng hạn, lúc ở Nà Pò, tôi được đi rẫy, cắt lúa hay leo núi cùng bà con người Tày. Một hôm, từ dưới ngước nhìn lên cao, tôi thấy ánh sáng từ kim loại lóe lên đằng sau những bóng áo chàm. Lên đến nơi, tôi xác định ánh sáng đó là do sự phản chiếu khi ánh mặt trời chiếu vào mặt bản dao đi rừng của đồng bào miền núi. 

Ở đây, người dân đi rừng, làm nương ở dốc đồi núi đều đeo một con dao to bản bên hông. Con dao được cho vào một cái nẹp bằng gỗ hay tre khô. 

Tuy dao được đút vào nẹp nhưng nẹp thoáng chứ không bị che hết mặt ngoài. Do đó, khi lên cao, ánh mặt trời rọi vào ở phía mặt ngoài dao tạo ra sự phản chiếu mà thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp. 

Cũng cần nói thêm, tuy là rừng núi nhưng Nà Pò rừng không rậm, núi không cao. Nhiều chỗ sườn đồi hay sườn dốc chỉ có cây thưa, lá nhỏ nên dễ thấy bóng áo chàm và ánh dao lóe sáng.

Ngoài ấn tượng với ánh dao, tôi rất thích hình ảnh hoa chuối rừng. Bởi, ở dưới xuôi, hoa chuối không bao giờ có màu đỏ tươi như thế.

Trên rừng, tôi tha hồ thấy cây chuối rừng và hoa chuối rừng với một màu đỏ tươi đến kỳ lạ. Màu đỏ nổi bật trong bạt ngàn màu xanh đậm của lá rừng. Hình ảnh này được nói đến trong thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng"

Rõ ràng, nếu không được “về rừng” như tên bài hợp ca mà chúng tôi vẫn hát thì tôi làm sao có thể cảm nhận được cái hay, thấy được cái thực của “hoa chuối đỏ tươi” và “ánh dao cài thắt lưng”. 

Ba lần gặp gỡ nhà thơ Xuân Diệu

Cũng nhờ đi sơ tán ở bản Nà Pò, lần đầu tiên, chúng tôi được gặp nhà thơ Xuân Diệu - một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

Dịp đó, nhà thơ Xuân Diệu lên thăm em nuôi là Trương Hùng Cường, bạn cùng khóa K8 Xây dựng - Đô thị với tôi.

Chúng tôi rất vui và hãnh diện khi được sống chung khoảng một tuần với nhà thơ lớn.

Tôi nhớ, anh Xuân Diệu mang cho Cường một chiếc súng bắn chim và một hộp màu của Liên Xô làm quà. Anh mang cả trà Thanh Hương giấy bạc mà thời bao cấp mua bằng bìa cán bộ loại C ở cửa hàng Vân Hồ, Hà Nội. Chúng tôi đun nước, anh pha trà ngon, rồi cùng nhau thưởng trà, trò chuyện văn thơ bên bếp lửa nhà sàn. 

Năm sau, chúng tôi sơ tán về Đô Đàn, Quế Võ, Hà Bắc thì anh Xuân Diệu cũng đến thăm bạn Cường. Chúng tôi lại có dịp nói chuyện thơ với anh. Buổi sáng, anh thường tập thể dục và chạy cùng chúng tôi ở sân kho của hợp tác xã.

Lần thứ ba cũng vào năm đó, anh Xuân Diệu có về thăm Cường vài ngày khi chúng tôi sơ tán sang huyện Gia Lương bên kia sông Đuống.

anh 1 nha tho xuan dieu.jpg
Nhà thơ Xuân Diệu đọc thơ trong phim tài liệu The petit monde de Khoa. Nguồn ảnh: VTV

Ở đây, làng mạc đầy màu xanh của khoai lúa, đầm sen ngát hương... Ngoài đê sông Đuống, người dân trồng nhiều đay và mía.

Sau vài ngày, anh Xuân Diệu trở về Hà Nội. Ít lâu sau, báo Văn nghệ có đăng bài thơ của anh. Bài thơ có đoạn:

“Anh hỏi cho lòng đỡ nhớ thôi

Biết em thương nhớ quá anh rồi

Xa trên làng mạc xanh sông Đuống

Lòng vẫn thường lên thăm em tôi” 

Những ngày sơ tán khó quên

Lớp chúng tôi ở Nà Pò đến 27/2/1966 thì đi thực tập Địa chất Công trình ở Thất Khê do thầy Ấn hướng dẫn. Ngày 07/3/1966, chúng tôi rời Thất Khê bằng ô tô tải, ra ga Đồng Đăng.

Sau đó, chúng tôi thực tập công nhân tại công trình xây dựng trạm bơm Hiền Lương ở Hà Bắc. Ngày 08/4/1966, chúng tôi về lại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ ngày 10/4/1966, chúng tôi bắt đầu học tại cơ sở trường mới do Liên Xô giúp xây dựng.

Ngày 29/4/1966, chúng tôi bất ngờ nhận lệnh phải sơ tán khỏi khuôn viên trường Bách khoa. Thế là, chúng tôi lại vác “gia tài sinh viên” lên vai, hành quân bộ về mạn Vĩnh Tuy, rồi đến gần Ngọc Hồi.

Đến đây, chúng tôi lại được lệnh về trường để đi Hà Bắc. Về trường, chúng tôi để nguyên đồ đạc, nghỉ ngơi một lát, nhận bánh mì ở nhà ăn khoa Xây dựng, rồi lại ra ga Hàng Cỏ.

Tối đó, chúng tôi lên tàu đến ga Bắc Ninh trong khung cảnh vắng vẻ của thời chiến. Xuống tàu, chúng tôi theo đường quốc lộ 18, hành quân trong màn đêm. Không hiểu thế nào, đêm đó trời quá tối, chúng tôi hành quân cách nhau vài mét nhưng chỉ nghe tiếng mà không nhìn rõ người.

Vì hành quân xê dịch cả ngày, đến quá nửa đêm, chúng tôi thấm mệt, nằm lăn ra đường để ngủ. Đến sáng, chúng tôi hành quân vào các làng và theo đường đê sông Đuống tập kết tại Đô Đàn thuộc huyện Quế Võ, Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Lớp chúng tôi ở Đô Đàn sát Quế Ổ. Tại đây, chúng tôi được ở trong nhà dân. Hàng ngày, chúng tôi chỉ ở nhà nấu bếp tập thể, vét giếng để có thêm nước dùng và một vài việc khác. Chúng tôi tiếp tục học và hoàn thành năm thứ 3 với kỳ hè muộn...

Ngày hành quân, tối biểu diễn văn nghệ

Có thời điểm, ngày chúng tôi hành quân, đêm biểu diễn văn nghệ để đề phòng máy bay đến dội bom, bắn phá. Những thời điểm căng thẳng, chúng tôi phải hành quân ban đêm trên đường làng hoặc bờ ruộng… Nhiều lần vấp ngã đau điếng.

anh 1 song duong.jpg
Ngã ba đoạn giao nhau giữa sông Đuống và sông Hồng tại quận Long Biên - Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn/Báo Lao Động

Thông thường, chúng tôi phải chờ bà con đi làm về, dùng cơm nên đến gần 21h mới biểu diễn văn nghệ. Vì vậy, buổi diễn thường kết thúc lúc gần nửa đêm. 

Sau buổi biểu diễn, chúng tôi không về nhà dân mà ngủ luôn tại bãi cỏ cạnh nhà kho hợp tác xã. Nửa đêm, chúng tôi nằm ngửa mặt lên nhìn bầu trời đầy sao, hưởng ngọn gió hiu hiu và rì rầm nói chuyện. Từng nhóm bạn kể cho nhau về "đám cưới sao", truyện ngắn của An-phông-xơ Đô-đê và ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. 

Nói chung, chúng tôi vẫn vui, vẫn khí thế như hồi ở bản Nà Pò. 

Đầu năm thứ tư, một số bạn trong lớp được điều chuyển sang học Cơ khí, Cấp thoát nước. Đến đầu năm 1967, chúng tôi vừa học vừa làm ở Hải Phòng. Ngày 5/9/1967, chúng tôi về Tiểu Than, huyện Gia lương để thiết kế đồ án tốt nghiệp dưới ánh đèn dầu.

Đầu tháng 12/1967, chúng tôi bảo vệ đồ án tốt nghiệp ban đêm dưới ánh đèn măng-sông. Sau đó, cả lớp tập quân sự và học chính trị. 

Tháng 3/1968, mọi người ra trường đi nhận công tác, kết thúc thời kỳ sinh viên với những ngày hòa bình 2 năm đầu và 3 năm sau phải sơ tán.

Những ngày tháng ấy trong tim chúng tôi đều có một ngọn lửa nhỏ. Những ngọn lửa nhỏ ấy cháy thành một ngọn lửa lớn. Ngọn lửa ấy nâng cánh cho chúng tôi bay lên trên những khó khăn mà tưởng chừng có lúc khó vượt qua.

Ngọn lửa ấy sưởi ấm chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Và, cho đến sau này, ngọn lửa ấy vẫn cháy, thôi thúc chúng tôi hãy sống, cố gắng làm một người chân chính trong mọi hoàn cảnh.

Ngọn lửa ấy cho chúng tôi tình yêu Tổ quốc lớn lao, tình yêu đối với nhân dân sâu đậm, nhất là với đồng bào dân tộc ít người.

Ngọn lửa ấy còn là động lực cho mọi niềm say mê sáng tạo...

Những tháng ngày ấy là một phần đáng kể của thời thanh niên sôi nổi đầy lãng mạn của chúng tôi. Sao lại có thể không nhớ về những tháng ngày như thế?

Những tháng ngày không quên.  

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!