"Khâu vá" những công trình
Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1967, lớp Xây dựng 63 (khóa 8), Đại học Xây dựng của chúng tôi về Hải Phòng thực hiện đợt “vừa học vừa làm” .
Bạn bè và các anh trong lớp đều được phân công về những công trình của Sở Kiến trúc và công ty Xây dựng Hải Phòng thuộc Bộ Xây dựng.
Tôi được bố trí về công trường Sửa chữa nhà cửa, trên đường Trần Nguyên Hãn, gần bến xe và ga An Dương. Đây cũng là nơi được bố trí làm địa điểm học của lớp tôi.
Phụ trách đoàn là thầy Lê Kiều, Mai Tuân của bộ môn Thi công, khoa Xây dựng. Thầy Mai Tuân cùng ở tại trụ sở công trường với tôi.
Do đơn vị tôi về thực tập công việc chủ yếu ở nội thành nên tôi được đến nhiều nơi trong thành phố. Tất nhiên là tôi đi bộ. Hồi ấy, sinh viên các tỉnh về học và ở nội trú trong trường mà có xe đạp là loại hiếm. Cho nên, chúng tôi đi thực tập cũng chỉ có tư trang nhẹ nhàng, đơn giản.
Những địa danh của Hải Phòng dần quen thuộc với tôi như Cát Dài, Cát Cụt, Cầu Đất, Lạch Tray, Lê Lợi, Ngã Năm, Sông Lấp, Sông Cấm… Sau này, mỗi khi hát bài Thành phố hoa phượng đỏ, tôi lại bồi hồi nhớ về “những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng oanh liệt” ấy.
Cũng như ở Hà Nội, nhiều đường phố ở Hải Phòng thời bấy giờ có hầm trú ẩn ở hai bên hè đường. Mỗi khi có máy bay đánh phá, người dân có chỗ trú ẩn, giảm thiểu thương vong. Những lúc như vậy, khi đi đường, tôi đều nhường cho người dân, nhất là trẻ con, phụ nữ .
Vì là thời chiến, đơn vị tôi được giao thi công làm mới hoặc khắc phục sửa chữa những công trình phù hợp với tình hình. Chúng tôi thi công hầm bê tông cốt thép cho cơ quan giao tế, thi công móng máy điện diesel lẻ tẻ để cung cấp điện một phần cho thành phố khi nhà máy nhiệt điện Sông Cấm bị đánh phá.
Tôi cũng tham gia sửa chữa Nhà hát Thành phố bị hư hỏng một số chỗ do mảnh bom đạn. Đồng thời, tôi cũng được đến nhà máy Cơ khí An Biên ở phố Tô Hiệu để thi công một số hạng mục nhỏ.
Thời gian đầu, tôi còn tham gia đợt cải tạo khu vực vệ sinh của một số khu lao động. Lúc đó, tôi không nề hà bất cứ công việc nào.
Công trình đặc biệt
Nói đến Hải Phòng, tôi không thể không nhắc đến công trình đặc biệt đối với tôi.
Sau khi máy bay ném bom, nhà máy điện Cửa Cấm bị sạt một góc, nhà máy Sắt tráng men - Nhôm bị sập một phân xưởng và tốc mái các nhà kho thành phẩm, đài chứa nước bị thủng...
Nhiệm vụ của công trường Sửa chữa là nhanh chóng khắc phục hậu quả để tiếp tục sản xuất. Anh Chư, người miền Nam là chỉ huy trưởng công trường, giao nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật 2 công trình này cho tôi và 2 đội công nhân thi công.
Anh hỏi: “Nhận nhiệm vụ này, cậu có sợ chết không?”. Tôi nói: “Ai cũng muốn sống cả, chết là chuyện cuối cùng. Nhưng, không vì sợ chết mà chùn bước, không vì thế mà không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi quê ở miền đất lửa Quảng Bình, chỗ đó còn gay go ác liệt hơn nhiều. Quân và dân ở đó vẫn anh dũng bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu… Vậy ở đây, tôi lẽ nào lại chùn bước”.
Phải nói rằng, làm việc trong tuyến gồm nhiều nhà máy dọc sông Cấm là nơi sẽ chạm trán thường xuyên với các cuộc ném bom của máy bay Mỹ. Không khí ở đây rất căng thẳng, một bên là các nhà máy còn hoạt động, một bên là các trận địa pháo cao xạ phòng không. Con đường ở giữa không mấy người qua lại.
Tất nhiên, mọi người làm việc từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Bởi, làm việc vào ban ngày dễ bị máy bay đến đánh phá.
Với tinh thần bám trụ, công nhân và cán bộ 2 đội, trong đó một số chị có con nhỏ vẫn đi làm đều đặn. Thái độ bình tĩnh nói lên ý chí kiên cường, là sự động viên từ người nọ truyền sang người kia để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được thái độ bình tĩnh của công nhân và cán bộ trong đơn vị, nhân dân thành phố. Sự bình tĩnh là thái độ duy nhất đúng để hành động, xử lý tình huống tạo thành công, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Còn tôi, suốt đêm đến sáng, qua lại hai nhà máy, tùy công việc mà dừng chỗ này hoặc chỗ kia lâu hơn. Phương tiện thi công hồi đó không đầy đủ, hiện đại như bây giờ.
Đối với các mảng bê tông cốt thép bị sập đổ, sau khi chọc thủng các mạch bê tông, chúng tôi dùng máy hàn hay máy cắt cắt phần xương cốt thép và dùng cẩu nhỏ cẩu đi. Một số nhà kho sản phẩm bị tốc mái và sạt mái, để lợp lại, công nhân đốt dầu hỏa đựng trong các ca tráng men rồi mang lên mái nhà. Không có điện chiếu sáng để thi công, chúng tôi phải tự tạo ánh sáng rất hạn chế này để làm việc đêm.
Dưới ánh sáng mờ mờ, 4 - 5 công nhân được bố trí một thang tre ở dưới ngay chỗ ngồi, khi có máy bay đến đánh phá thì nhanh nhẹn theo từng thang tre được quy định sẵn mà tụt xuống đến các chỗ trú ẩn. Máy bay đi thì trở lại vị trí cũ làm việc.
Gay go nhất có lẽ là việc tôi cùng 2 công nhân chui vào đài chứa nước vá lỗ thủng bê tông cốt thép để chứa nước phục vụ cho sản xuất của nhà máy. Việc vá đài chứa nước, tôi hướng dẫn công nhân thực hiện đúng như bài đã học ở trường. Thế nhưng, cái gay go chính là việc khi 3 người đã chui được vào trong đài chứa nước, nếu máy bay đến đánh phá thì không thể biết được mà chui xuống. Thành thử chui vào đài nước là chui vào chỗ hiểm yếu. Biết thế nhưng ai cũng quyết tâm làm và đã hoàn thành.
Ở công trình nhà máy Sắt tráng men - Nhôm, một việc rất quan trọng là theo chỉ thị của Thành ủy phải hạ nhanh hai ống khói thép cao vài chục mét và dẫn khói phân tán. Phân xưởng này không bị hư hại và vẫn sản xuất. Nếu không, máy bay lại tiếp tục đánh phá thì tổn thất sẽ lớn hơn.
Là cán bộ kỹ thuật, tôi phải đề xuất biện pháp thi công nhanh mà vẫn an toàn cho người và các phân xưởng lân cận. Sau một ngày suy nghĩ và vẽ phương án đề xuất lên một tờ giấy croquis, hôm sau, tôi trình bày phương án này trước hội nghị của công trường gồm lãnh đạo, cán bộ và công nhân bậc cao của đơn vị, có cả thầy Mai Tuân tham dự.
Tôi trình bày đại để là yêu cầu nhanh, lại làm trên cao, ta không có phương tiện leo trèo hoặc dựng giàn giáo từ dưới đất lên để làm thì khả thi, nhưng rất chậm. Thế nên, phương án kéo đổ cột thép là nhanh nhất nhưng kéo đổ mà không điều hành đường rơi xuống của nó thì rất nguy hiểm.
Với khoảng cách 1m đến phân xưởng phía sau, lực đạp lui rất mạnh của nó sẽ phá hủy phân xưởng này. Ngoài ra, nếu không khống chế đường rơi thì toàn bộ ống sẽ đập phá vào phân xưởng mà nó rơi đè lên, cũng gây hư hỏng nặng.
Dựa vào tính thép thì cứng nhưng nó vẫn mềm khi ta uốn cong, chúng tôi cho máy hàn cắt rời 3/4 chu vi ống, chừa 1/4 phía dự kiến ống đổ không cắt, để cho ống gãy gập mà không đứt lìa, làm cho ống không tống lực đạp ra phía sau được. Dây chằng phía trên ống thép ở phía ngược đường rơi được cắt và nối vào tời, ghìm chặt để điều khiển cho rơi từ từ...
Phương án của tôi được thông qua. Buổi sáng báo cáo, buổi chiều chuẩn bị, buổi tối được thực hiện. Ống thép thứ nhất, rồi ống thép thứ hai đổ xuống gọn gàng, nhẹ nhàng, nhanh chóng và chính xác, an toàn, không ảnh hưởng gì đến xung quanh. Tất cả thở phào nhẹ nhõm và hân hoan vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Những ngày không quên
Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi có gặp Ngôn, bạn học cùng lớp đại học, ngồi uống cà phê ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ngôn bảo có về thăm quê Hải Phòng, có đi xem triển lãm trưng bày về cuộc kháng chiến vừa qua, thấy giới thiệu về công trình. Ngôn bảo rất tự hào vì bạn mình đã có một công trình như vậy cho quê hương Hải Phòng thân yêu.
Công trình cuối cùng tôi được tham gia ở đây là được đồng hành cùng đội công nhân của đơn vị xây cầu vượt đường xe lửa ở phố Cầu Đất. Cầu xây bằng gạch, phần trên cùng để tàu chui qua được kê bằng dầm sắt. Cầu xây để người đi bộ, người đi xe đạp có thể vác xe đạp qua mỗi khi tàu chạy vào ga Hải Phòng ở bên dưới. Nếu không có cầu vượt dòng thì người bị chặn lại ở đó có thể bị thương vong nhiều khi máy bay đến đánh. Tất nhiên công trình cũng được thi công từ 18h tối đến 6h sáng hôm sau.
Tôi nhớ cũng trên phố Cầu Đất, đối diện với chỗ xây cầu là một cửa hàng ăn uống của mậu dịch quốc doanh. Hàng ngày tầm 5h sáng có bán “mỳ không người lái”. Người dân gọi tên như thế là vì bát mỳ thơm ngon nóng hổi có đầy đủ các thứ, nhưng không có thịt mà thôi. Giá một bát mỳ là 1 hào 5 xu trong lúc cơm cán bộ ăn bếp tập thể là 3 hào một bữa, cơm bếp tập thể sinh viên là 5 hào 2 bữa sáng chiều.
Do chiến tranh nên nguồn cung không có đủ thực phẩm. Mọi thứ phải dành cho tiền tuyến. Mọi người đều phải “thắt lưng buộc bụng”. Chiến tranh thiếu thốn mọi thứ, có một bát mỳ như thế để nạp năng lượng cho ngày mới cũng cần thiết lắm.
Phải nói rằng thời gian khắc phục hậu quả bom đạn ở nhà máy Sắt tráng men - Nhôm và nhà máy điện Cửa Cấm Hải Phòng tôi vất vả hơn cả. Vất vả vì chỗ tôi ở xa chỗ làm. Tôi ở phố Trần Nguyên Hãn, gần ga An Dương, phải đi bộ khá xa đến nhà máy cuối dọc sông Cấm. Tôi đoán cũng phải đến gần 6km vì tôi đi bộ nhanh cũng mất trên một giờ. Phương tiện cá nhân và công cộng không có. Thỉnh thoảng, các anh công nhân bậc cao, lớn tuổi có cho tôi mượn xe đạp để đỡ mỏi chân.
Những hành động như vậy càng động viên tôi trong cuộc sống. Tôi biết ơn những tình cảm đó. Hành trình của tôi hàng ngày phần lớn đi từ phố Tô Hiệu đến Lê Lợi qua ngã Năm đi hết đường Đà Nẵng rồi đến tuyến các nhà máy dọc sông Cấm. Đầu tuyến là nhà máy Thủy tinh và cuối là nhà máy Sắt tráng men - Nhôm.
Ban đêm, chạy qua chạy lại hai nhà máy có công nhân mình làm việc trong ánh sáng mờ mờ, nhiều chỗ tối om, gió có hơi nước mang vị mặn, quờ tay là đụng phải hàng đàn muỗi... Hành trình thời gian đó của tôi là ra đi khi cuối giờ chiều, đến nơi thì hoàng hôn sắp xuống và ra về khi bình minh lên.
Thời gian đó, tôi tắm mình đẫm hơn trong không khí “vừa sản xuất vừa chiến đấu” của quân dân thành phố cảng. Tôi không hề nghĩ đến cái chết hay bị thương mà bình tĩnh xử lý, bám việc cùng công nhân, không bỏ buổi nào.
Làm đêm, ngày được nghỉ để ngủ nhưng tôi không ngủ vì trái quy luật sinh học, hơn nữa ban ngày nhiều khi máy bay gầm rú báo động liên tục, rất khó ngủ.
Thời gian đó, tôi thiếu ngủ nên nhiều khi bỏ cơm không ăn. Cơm tối thì bỏ luôn vì giờ ăn thì mình đã xuống chỗ làm. Tất cả rồi cũng qua đi. Thời chiến muôn vàn khó khăn, quân dân cả nước làm được nhiều điều kỳ diệu, khó khăn của mình chẳng to lớn.
Ngoài công việc ở công trường, tôi còn tham gia văn nghệ với thanh niên của đơn vị đều đặn. Ý chí và tinh thần vẫn bảo đảm.
Vì được ở cùng thầy Mai Tuân nên tôi thỉnh thoảng được hát với thầy. Phải nói rằng thầy trò quý nhau không chỉ vì là thầy trò mà còn là một cặp song ca ăn ý. Mấy năm trước, tôi thỉnh thoảng vẫn nghe bài hát Hò kéo thuyền trên sông Volga, nhạc Nga qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thầy có kỹ thuật thanh nhạc tốt, giọng ấm và vang. Thầy bảo về đây cứ gọi thầy là anh xưng em cho tiện và thân mật.
Thầy còn cho tôi mượn xe đạp để đến thăm các bạn đồng hương của tôi đang ở Hải Phòng. Sau này, nghe tin thầy đã đi xa, tôi kính cẩn, ngậm ngùi và không bao giờ quên kỷ niệm ấy. Việc được hát với thầy đã thắp cho tôi thêm ngọn lửa yêu đời.
Thầy đã chắp cánh ước mơ, lòng lạc quan, giúp tôi đôi cánh để vượt lên trong những ngày đất nước đầy khó khăn vất vả.
Rồi đến lúc phải tạm biệt Hải Phòng.
Ngày 13/8/1967, lớp chúng tôi trở về trường đang sơ tán ở Gia Lương, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), kết thúc gần 6 tháng vừa học vừa làm ở đất cảng.
Hải Phòng, nơi tôi được đến trong những tháng ngày có chiến tranh. Những tháng ngày đó, Hải Phòng vẫn đẹp, khỏe khoắn, bình tĩnh và vững vàng. Nhất định Hải Phòng sẽ phát triển rực rỡ như màu hoa phượng đỏ trong những tháng năm hòa bình.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |