Theo Nghị quyết 128, Bộ LĐTB&XH chủ trì việc tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng do Covid-19; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trẻ em, người lao động, người sử dụng lao động, đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chương trình khôi phục thị trường lao động là một bộ phận cấu thành của chương trình khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bộ LĐTB&XH đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động, khớp nối với chương trình chung của Chính phủ (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo). 

Kế hoạch của ngành lao động chú trọng vào 3 giải pháp cốt lõi là: Giữ chân người lao động; thu hút người lao động đã về quê quay trở lại làm việc; đào tạo, phát triển thêm lực lượng lao động bổ sung cho những lĩnh vực, ngành nghề, khu vực có nhu cầu cao, phục vụ cho khôi phục phát triển kinh tế. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề thời sự, cấp bách cần tập trung giải quyết lúc này là đánh giá đúng về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. 

"Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc không đáng ngại lắm nhưng từ Đà Nẵng trở vào, các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh… rõ ràng cần quan tâm. Những ngày qua, tôi nhận tin nhắn của doanh nghiệp là Thủ tướng đã nêu tinh thần chỉ đạo "không ngăn sông cấm chợ" nhưng một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện cho người lao động đi làm trở lại, thậm chí khi công nhân đã có đủ thẻ xanh Covid-19, tiêm vắc xin rồi vẫn bắt buộc phải '3 tại chỗ'. Khó khăn trong di chuyển như vậy thì lao động rất khó quay trở lại doanh nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề.

{keywords}
BA nhóm giải pháp cốt lõi khôi phục thị trường lao động

Để khôi phục thị trường lao động, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh báo cáo ngay với Bộ LĐTB&XH về một số vấn đề cụ thể.

Đối với người lao động trên địa bàn, tổ chức nắm các thông tin cơ bản: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do thất nghiệp, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6/2021 trở lại đây.

Đối với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động. Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, trong quá trình phối hợp phải quán triệt tinh thần này".

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ quan trọng là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn. Người đứng đầu Chính phủ nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định…

Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế…

Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp...

Ngọc Dũng