Internet có thể chứa đựng một lượng thông tin cực lớn trên các website, công cụ tìm kiếm. diễn đàn…, với số lượng người sử dụng đông đảo. Vì thế, việc khai thác Internet có thể đem lại hiệu quả tích cực trong truyền thông dự thảo chính sách.
Đặc biệt, Interrnet không chỉ đăng tải thông tin một chiều, mà chủ thể truyền thông có thể đo lường và hiệu chỉnh từ phân tích hiệu quả sử dụng phương tiện truyền thông này.
Một nghiên cứu chuyên đề mới đây của Khoa Tuyên truyền – Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Với số lượng người truy cập ngày càng tăng, truyền thông dự thảo chính sách dựa trên nền tảng Internet là một phương thức có hiệu quả để tiếp cận công chúng và thực hiện các mục tiêu truyền thông đã đề ra”.
Cũng theo nghiên cứu của Khoa Tuyên truyền, truyền thông dự thảo chính sách trên Internet có thể thực hiện theo 3 phương thức sau đây.
Cung cấp văn bản dự thảo chính sách
Để phổ biến rộng rãi, nhanh chóng và kịp thời dự thảo chính sách, cách đơn giản nhất là đăng tải toàn văn bản dự thảo trên Internet.
Điều quan trọng nhất khi đưa các văn bản pháp luật lên trên mạng Internet là văn bản đó phải đảm bảo tính chính xác. Để có được điều này, chủ thể truyền thông cần dựa vào các nguồn cung cấp văn bản chính thống theo quy định, trước hết là cơ quan chủ trì soạn thảo, thông qua các kênh như: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành chủ trì soạn thảo văn bản, hoặc thông cáo báo chí, tài liệu do cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp trực tiếp cho báo chí.
Bên cạnh đó, có thể tham khảo thông tin đăng tải dự thảo chính sách trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, tại chuyên mục “Truyền thông dự thảo chính sách pháp luật”.
Việc cung cấp văn bản dự thảo chính sách cần đảm bảo tính cập nhật, kịp thời cung cấp những thông tin về dự thảo các quy định mới, chính sách mới của Nhà nước đến người dân.
Ngoài ra, tính có hệ thống là một yêu cầu quan trọng trong việc lấy ý kiến vào dự thảo chính sách trên Internet, cần hỗ trợ người dân tra cứu, so sánh các văn bản chính sách đã có và dự thảo chính sách mới, để từ đó thấy được những điểm mới cần bổ sung, sửa đổi...
Bên cạnh việc đăng tải toàn văn dự thảo, cũng cần kèm theo lời tóm tắt, giới thiệu những nội dung chính và mới, những vấn đề có ý kiến khác nhau của văn bản dự thảo. Điều này rất hữu ích, tiện lợi cho người đọc.
Xây dựng các chuyên mục góp ý vào dự thảo chính sách
Các chuyên mục góp ý vào dự thảo chính sách cung cấp những kiến thức sâu về từng chính sách cụ thể.
Các chuyên mục thuộc loại này có thể được xây dựng theo tôn chỉ, mục đích của từng chương trình cũng như đối tượng cần lấy ý kiến tham vấn… Ví dụ như: Góp ý của công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ…
Song song với việc đảm bảo về nội dung bản dự thảo chính sách, các chuyên mục này cần chú ý đến những vấn đề trình bày, biên soạn nội dung cần lấy ý kiến dưới dạng sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh sinh động để người đọc dễ theo dõi.
Bên cạnh việc truyền thông thông qua những chuyên mục chuyên sâu có nội dung mang tính lý thuyết, nên xây dựng những chuyên mục đi sâu phân tích thực trạng vấn đề mà dự thảo chính sách đề cập.
Thực tế cho thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao, người xem dễ hiểu và dễ nhớ. Những khó khăn, vướng mắc, băn khoăn, trăn trở của người dân và doanh nghiệp có thật trong cuộc sống được phân tích dưới góc độ quản lý nhà nước có thể giúp mọi người quan tâm, tham gia ý kiến hoàn thiện chính sách trước khi được ban hành chính thức.
Số hóa dự thảo chính sách trên Internet
Trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các sản phẩm truyền thông dự thảo chính sách cũng cần được số hóa để người dân dễ tiếp cận và so sánh giữa bản dự thảo và văn bản chính thức sau này.
Đầu tiên, cần căn cứ vào mục đích, đối tượng và nguồn tài liệu về dự thảo chính sách hiện có để lựa chọn sản phẩm truyền thông (bản in, tờ gấp, tờ rơi, đĩa CD, VCD… ) đưa lên mạng Internet.
Tiếp theo là chuyển tải nội dung tài liệu từ dạng bản in sang dữ liệu điện tử (ví dụ, đối với ấn phẩm dạng bản in giấy thì dữ liệu điện tử có thể là bản đánh máy). Cần kiểm tra (nghe, đọc soát) để đảm bảo nội dung của dữ liệu điện tử giống nội dung của ấn phẩm đã xuất bản.
Sau khi đã lựa chọn được tài liệu, cần nghiên cứu cách thức đưa lên mạng như đưa dưới dạng file Word, file .RAR hoặc file .PDF… tùy thuộc vào dung lượng của tài liệu, tính năng kỹ thuật của trang web… Đối với những tài liệu có dung lượng không lớn, có thể đưa dưới dạng đơn giản là file Word. Các file đính kèm dạng .RAR hoặc .PDF có thể sử dụng trong trường hợp tài liệu có dung lượng lớn, tuy nhiên cần có chương trình tương thích để xem, đọc.
Ngoài ra, có thể tổ chức giao lưu trực tuyến qua các phần mềm MS Team, Google Meet… Hiện nay, hình thức giao lưu trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Rất nhiều báo điện tử đã tổ chức các diễn đàn để độc giả có cơ hội trao đổi với những nhân vật nổi tiếng, những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một số cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương như Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương cũng đã tổ chức thành công hình thức đối thoại chính sách rất hiệu quả thông qua các phần mềm trực tuyến trên Internet.