Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Vùng Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có các cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có đơn vị chuyên trách về ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải, mà chủ yếu là lực lượng kiêm nhiệm và đơn vị hiệp đồng là các đơn vị quân đội, công an, biên phòng và các sở, ban, ngành của tỉnh như Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp; các sở… 

16 vung tau.jpg
Thu gom, xử lý chất thải rắn cũng là giải pháp đề phòng sự cố môi trường.

Dự thảo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2030 đang được tỉnh xây dựng và xin ý kiến có dự kiến các khu vực nguy cơ cao về chất thải rắn: Khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường của Công ty TNHH KBEC Vina; các nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; Chất thải lỏng có Khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường của Công ty TNHH KBEC Vina tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; nhà máy xử lý chất thải và chế biến các loại chất thải lỏng sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên... Chất thải khí có Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn; nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam… Ngoài ra còn có tiềm ẩn nguy cơ sự cố của các cơ sở có phát sinh chất thải rắn, nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở lực lượng, phương tiện và trang thiết bị hiện có, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khả năng ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải có quy mô vừa và nhỏ.

Dự thảo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2030 cũng đã đề cập đến nguyên tắc ứng phó là tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường, sự cố chất thải; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố môi trường, sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc (nước thải, khí thải, không khí xung quanh, nước mặt, ...) tự động và đã có truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát chất lượng môi trường, nhờ đó, nâng cao khả năng, hỗ trợ cảnh báo sớm được dấu hiệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả được đề cập đến là xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, sự cố chất thải trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý; tổ chức sơ tán nhân dân và tài sản, phương tiện. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh...) phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nơi xảy ra sự cố nhanh chóng sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp thời thông tin, định hướng dư luận; ngăn chặn nguồn chất thải ra môi trường…

Phương Thúy và nhóm PV, BTV