Bà Rịa - Vũng Tàu  thuộc vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài 305,4 km và trên 100.000 km2 thềm lục địa. Với lợi thế bờ biển dài và các hệ sinh thái quan trọng như cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô... Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như khai thác dầu khí, cảng biển và vận tải biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. 

Trong Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được UBND tỉnh ban hành cuối tháng 11/2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm; Chủ động sản xuất, nuôi dưỡng để cung ứng đủ con giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cho các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; Ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thủy sản lồng bè trên biển, ven biển và hải đảo; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản; Xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản.

27 hai san vung tau.jpg
Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển.

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó là thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; cơ sở, vùng sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh; các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài như tôm nước lợ; các loài thủy sản đã chủ động sản xuất giống nhân tạo; các loài thủy sản chưa chủ động sản xuất giống nhân tạo; các loài vi tảo, rong biển, thủy sinh vật cảnh, loài thủy sản để làm giải trí, mỹ nghệ, trang sức và dược phẩm: khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và nhập công nghệ sản xuất giống phù hợp nhu cầu sản xuất và điều kiện thực tiễn.

Trong phát triển nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển nuôi theo nhóm loài; Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản; Kiểm soát an toàn dịch bệnh và quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản… 

Cùng với các giải pháp trên là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; Phát triển các mô hình hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản…

Mỹ Bình và nhóm PV, BTV