YouTuber - Họ là ai?
YouTube là nền tảng giúp người dùng chia sẻ video. Còn với YouTuber, hiểu một cách đơn giản, họ là những người tạo ra nội dung để đăng tải trên YouTube.
Hiện có khoảng hơn 1,9 tỷ người dùng vào xem YouTube mỗi tháng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo số liệu của tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số (Bộ TT&TT), nước ta hiện có khoảng 45 triệu người dùng YouTube.
Sự lớn mạnh của YouTube đã làm phát sinh ra một nghề mới, đó chính là các YouTuber - những người làm nội dung trên YouTube. |
Chúng ta vẫn thường xem video miễn phí trên YouTube. Vậy họ sẽ kiếm tiền từ đâu? Về cơ bản, nhờ sở hữu lượng người dùng khổng lồ, YouTube tạo ra doanh thu bằng cách bán quảng cáo cho các nhãn hàng, thương hiệu. Các quảng cáo này được chèn vào chính những đoạn video mà mọi người vẫn xem hàng ngày.
Hiểu một cách nôm na, YouTube chính là một đài truyền hình khổng lồ. Đài truyền hình này không dùng cáp, sóng antena hay tín hiệu vệ tinh mà “phát sóng” qua đường truyền Internet. Các kênh YouTube cũng chính là các kênh của đài truyền hình đó. Càng nhiều người sử dụng, YouTube sẽ càng dễ bán quảng cáo và kiếm được nhiều tiền.
Để duy trì được lượng người sử dụng lớn, YouTube luôn phải tìm cách tạo ra người dùng mới và giữ chân những người dùng cũ trong hệ sinh thái của mình. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ việc sở hữu những nội dung hấp dẫn.
Do vậy, để có thể tồn tại, YouTube cần đến những creator hay các nhà sản xuất nội dung. Ở Việt Nam, họ thường được biết đến dưới cái tên - YouTuber.
YouTube kiếm tiền dựa vào ngân sách quảng cáo của các nhãn hàng. Để duy trì lượng người xem, họ trả một phần số tiền này cho các YouTuber. Hình trên thể hiện các vị trí hiển thị quảng cáo trong một clip trên YouTube. |
Qua rà soát của Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), hiện YouTube đang trực tiếp quản lý khoảng 130.000 kênh video tiếng Việt. Bên cạnh đó, 4 công ty mạng lưới đa kênh (MCN) tại Việt Nam là Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân đang quản lý khoảng 6.000 kênh.
Thực tế cho thấy, mỗi YouTuber thường sở hữu không chỉ một kênh YouTube, chưa kể các kênh YouTube của người Việt nhưng hướng mục tiêu là người xem nước ngoài. Tuy vậy, những số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, tồn tại một lượng rất lớn những người làm YouTube tại Việt Nam, dù không phải ai cũng là YouTuber chuyên nghiệp.
YouTuber kiếm tiền thế nào từ YouTube?
YouTube và YouTuber có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Trong khi YouTuber kiếm về và giữ chân người dùng cho nền tảng này, YouTube sẽ trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung dựa trên kết quả làm việc của họ.
Bạn xuất bản video, có nhiều lượt xem & hiển thị quảng cáo, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền. Số tiền này sẽ được YouTube chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của nhà sản xuất.
Thống kê 10 kênh YouTube có lượng người theo dõi lớn nhất Việt Nam. |
Về bản chất, YouTube cần lượt xem để bán được quảng cáo, còn người mua quảng cáo bỏ tiền ra để bán được hàng. Do vậy, các chủ đề trực tiếp liên quan đến sản phẩm và người mua (công nghệ, y tế,...) luôn có giá tiền được trả cho mỗi lượt xem cao hơn các chủ đề về trẻ em, giải trí.
YouTube cũng trả tiền cao hơn cho những video có người xem đến từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (khoảng 4 - 8 USD/1.000 lượt xem, tùy theo chủ đề) do họ có thói quen xem YouTube để mua hàng.
Doanh thu của một số video thuộc chủ đề công nghệ. Có thể thấy với chủ đề này, người làm YouTube nhận được chỉ số RPM (doanh thu mỗi nghìn lần hiển thị) khá cao, khoảng từ 0.3 - 0.7 USD/1.000 view. Với người xem đến từ khu vực Mỹ và các nước Châu Âu, số tiền mà các YouTuber nhận được có thể gấp 10 lần con số này. |
Trong khi đó, do người dùng YouTube Việt thường ở độ tuổi trẻ (không phải người ra quyết định mua hàng) và thường xuyên sử dụng thủ thuật để “cày view”, tỷ lệ chuyển hóa thành đơn hàng bởi đối tượng này không cao.
Chính vì vậy, đơn giá cho mỗi lượt xem từ Việt Nam được YouTube đặt ở mức rất thấp so với các thị trường khác (khoảng 0.3 - 0.7 USD/1.000 lượt xem, thậm chí thấp hơn). Đây cũng là lý do mà các video có nội dung nhảm nhí như “thử thách 24h” không kiếm được nhiều tiền như mọi người vẫn nghĩ, trừ khi họ sở hữu một lượng view khổng lồ.
Với các YouTuber, bền nhất là những người thuộc nhóm đầu tư để sản xuất ra các nội dung tâm huyết. Để làm được điều này, họ sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư cho trang thiết bị, con người.
Do nội dung sạch, không bám trend, câu view, thời gian để “xây” được một kênh YouTube như vậy phải tính bằng năm. YouTuber cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro cạn vốn trước khi kênh đủ lớn.
Ở một khía cạnh khác, các video được đầu tư kỹ càng về nội dung và cách thể hiện thường sẽ được người dùng và YouTube đánh giá cao. Tuy vậy, không phải lúc nào đó cũng là những video có lượng người xem lớn.
Các clip của Bà Tân Vlog được thực hiện chỉ bởi điện thoại và tripod, tuy vậy mỗi video của bà Tân vẫn nhận được lượt xem rất cao, lên tới vài triệu view. |
Ví dụ về điều này không phải ai xa lạ mà chính là trường hợp của Bà Tân Vlog. Các video của bà Tân thường được quay ngay tại khoảng sân nhà, với nội dung đơn giản và bằng những thiết bị cũng đơn giản không kém (điện thoại + tripod). Thế nhưng, lượng người xem lên đến hàng triệu của kênh vlog Bà Tân luôn là ước mơ của mọi nhà sản xuất nội dung.
Phân tích thành công của Bà Tân, nhiều người cho rằng sự tự nhiên và nét chân chất của nguời phụ nữ nông thôn này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thiện cảm từ phía người xem.
Bà Tân cũng rất biết cách “câu view” khi khéo tạo trend “món ăn khổng lồ” nhờ kinh nghiệm lâu năm của người con trai làm YouTube. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận rằng may mắn đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của người phụ nữ này. Theo mức đơn giá Google trả cho lượt xem tại thị trường Việt Nam (0,3-0,7 USD/1.000 lượt xem), có thể tính sơ bộ với mỗi 1 triệu lượt xem các clip đưa lên YouTube, bà Tân Vlog có thể thu về được từ 300-700 USD.
Mặt trái của YouTuber
Mỗi nhà sản xuất nội dung thường có một chiến thuật khác nhau, từ reup (đăng lại các nội dung của người khác), làm các trò nhảm nhí để câu view (lượt xem) cho đến việc đầu tư để sản xuất ra những nội dung thực sự chất lượng. Tất nhiên, chiến thuật nào cũng có điểm hay và điểm dở riêng.
Những người làm reup luôn dễ “đẻ” video nhất bởi cách làm đơn giản, ít vốn đầu tư, chỉ cần một chiếc máy tính cấu hình tốt và không cần phải sáng tạo nhiều. Tuy vậy, họ sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị khóa kênh do vấn đề vi phạm bản quyền từ YouTube. Lúc này, dù kênh được “xây” lên nhanh chóng, rất có thể công sức của họ sẽ đổ sông đổ biển và chẳng kiếm được đồng nào.
Tuy vậy, cũng có không ít đối tượng xấu đã lợi dụng độ phổ biến của YouTube làm nền tảng để phát tán các nội dung xấu độc. Nhiều kênh YouTube có xu hướng chạy theo các nội dung vô bổ, ít tính giáo dục để câu view, câu like để từ đó nhận được nhiều tiền quảng cáo. Điển hình của dạng YouTuber này có thể kể đến các trường hợp giang hồ mạng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền...
Các sai phạm chủ yếu của những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube tại Việt Nam là đăng tải những video clip có nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, sử dụng chất ma túy, nội dung gây hại cho trẻ em và những clip chứa nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.
Do vậy, Bộ TT&T đang thắt chặt việc kiểm soát đối với YouTube, YouTuber cũng như các mạng đa kênh (MCN) với mục tiêu tạo ra một môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Trọng Đạt