Nghiên cứu về sự phát triển kinh tế biển của Đà Nẵng, Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) nhận thấy có 3 thế mạnh chính, đó là: Hàng hải - Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản - Du lịch biển.
Về Hàng hải, theo Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền, phát triển giao thông vận tải biển và kinh doanh cảng biển là một trong những thế mạnh của kinh tế biển Đà Nẵng. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi để xây dựng cảng biển, nhất là trong vùng vịnh Đà Nẵng, ngành vận tải biển không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Vịnh Đà Nẵng là một vịnh biển rộng, điều kiện địa chất ổn định, khá kín gió…, lại nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, nên có tiềm năng rất lớn.
Một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố là xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành một trong những cảng biển quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhu cầu trao đổi hàng hóa, nguyên nhiên liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một vùng rộng lớn tạo động lực lớn để cảng Đà Nẵng không ngừng phát triển.
Hiện cảng Đà Nẵng có 3 khu bến (Tiên Sa, Sông Hàn, Liên Chiểu). Đà Nẵng đang triển khai nâng cấp khu bến Tiên Sa giai đoạn 2 và xây dựng mới cảng Liên Chiểu với số vốn gần 5.000 tỷ đồng, công suất dự kiến 8,5 triệu tấn/năm.
“Cảng Đà Nẵng có thể thiết lập các tuyến hàng hải đến các vùng trong nước, trong khu vực và thế giới một cách thuận lợi. Vấn đề cần đặc biệt chú trọng là xử lý các chất thải đối với môi trường vùng cảng biển, nhất là những trường hợp vệ sinh tàu, tràn dầu (cảng Sông Hàn, Liên Chiểu...)”, bà Huyền lưu ý.
Về Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, phát triển mạnh ngành hải sản là một hướng phát triển của kinh tế biển Thành phố nhằm góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, chủ quyền vùng biển. Bờ biển dài, ngư trường đánh bắt rộng, các loại hải sản phong phú… là điều kiện tốt cho hoạt động khai thác hải sản.
Trong những năm qua, do được đầu tư về phương tiện đánh bắt hiện đại, sản lượng khai thác liên tục tăng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thành phố và cả nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Đà Nẵng còn có điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, ở những vùng nước lợ, mặn (Sơn Trà, Thủy Tú, Cu Đê) như tôm sú, cá mú, cá chình, cá lóc, ba ba… Hiện thành phố đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cung cấp cho các cơ sở nuôi trồng trên địa bàn thành phố. Sản lượng trong những năm qua không ngừng tăng, đạt gần 2.000 tấn các loại.
Khu Công nghiệp thủy sản Thọ Quang hiện là nơi tập trung các cơ sở chế biến thủy hải sản phục vụ nhu cầu trong vùng và xuất khẩu. Thành phố có kế hoạch đầu tư 15 - 20 cơ sở chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản có chất lượng xuất khẩu quốc tế. Khối lượng sản phẩm thủy sản thành phố những năm gần đây luôn tăng, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu của ngành và của thành phố.
“Trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thành phố cần chú ý vấn đề bảo vệ môi trường sống của sinh vật và cả con người. Đó là khai thác cạn kiệt các nguồn thủy hải sản; ô nhiễm nguồn nước do tạp chất từ thức ăn cho vật nuôi; môi trường không khí khu vực chế biến luôn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi bốc lên thường xuyên ảnh hưởng môi trường sống…”, bà Huyền khuyến nghị.
Về Du lịch biển, trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, nhờ vậy ngành du lịch có mức tăng trưởng cao.
Du lịch biển Đà Nẵng đã có gần như đầy đủ các loại hình du lịch biển - gắn với biển có tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, thể thao trên biển (lướt sóng, đua thuyền, mô tô nước..); gắn với đời sống dân cư vùng biển có các hình thức tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa địa phương, mua sắm sản phẩm du lịch… Thời gian hoạt động của du lịch biển Đà Nẵng kéo dài gần suốt năm; các bãi biển Đà Nẵng luôn hấp dẫn du khách nhất là vào mùa hè.
Ngoài loại hình du lịch tắm biển phổ biến từ trước đến nay, Đà Nẵng phát triển các sản phẩm biển phong phú để thu hút khách du lịch đến với thành phố biển. Đó là lặn ngắm san hô ở Sơn Trà; lướt sóng Mỹ Khê; câu cá trên biển ở các Bãi Nam, Bãi Bụt…; Lễ hội Cầu ngư, Lễ Tế Cá Ông ở Nam Ô, Thanh Khê…
Mặt khác, Đà Nẵng còn phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao phục vụ mọi loại đối tượng, đó là các khu mua sắm, các resort cao cấp ven biển như Furama, Sandy Beach, Bãi Bụt, Biển Đông…
Thị trường khách du lịch ngày càng mở rộng, lượng khách ngày một tăng. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, môi trường du lịch an toàn… là những lý do khiến khách du lịch đến Đà Nẵng nhiều hơn.
Ngoài khách nội địa, khách quốc tế cũng mở rộng địa bàn từ Tây Âu, Bắc Mỹ, đến Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…
“Để đẩy mạnh phát triển du lịch biển thành một ngành kinh tế chủ lực của thành phố, Đà Nẵng cần khai thác tiềm lực về tự nhiên và con người cùng với nền văn hóa giàu bản sắc của địa phương. Mặt khác, Đà Nẵng cũng cần tranh thủ sự đầu tư, hợp tác của các tổ chức, tập đoàn nước ngoài trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp mà thành phố có lợi thế”, bà Huyền đề xuất.