Theo Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh. Trong các chính sách đó, khoa học và công nghệ luôn là nhân tố đột phá trong công cuộc “tiến ra biển thời kỳ hiện đại” của Việt Nam.

anh bai 6a.jpg
Khoa học và công nghệ là nhân tố đột phá trong công cuộc “tiến ra biển thời kỳ hiện đại” của Việt Nam.

Đại diện Viện Chiến lược – Chính sách tài nguyên và môi trường lấy dẫn chứng cụ thể, Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định “Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá”, và “Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Nghị quyết đã xác định rõ nhiều giải pháp cụ thể, trong đó xác định cần ưu tiên đầu tư để hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; Thực hiện công tác đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm... 

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế; đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu. 

Để thực hiện tầm nhìn “đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia biển mạnh”, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng cần phải quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ biển, nguồn nhân lực biển. 

Các chuyên gia khuyến nghị, cùng với việc xây dựng tiềm lực và hệ thống khoa học công nghệ biển mạnh, cần chú trọng xác định kế hoạch, lộ trình phát triển khoa học và công nghệ biển quốc gia như một định hướng chính sách ưu tiên về khoa học công nghệ biển trong một số thập niên tới. 

Kế hoạch này không chỉ quan tâm đến khoa học công nghệ phục vụ điều tra, mô tả, thống kê khái quát các hiện tượng biển, tài nguyên và môi trường biển... như thời gian qua, mà còn cần tập trung giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ mới, phục vụ cho công tác dự báo biển (thuỷ động lực, môi trường, nguồn lợi…).

Đặc biệt, cần hoạch định chính sách phát triển biển, hải đảo; phát triển các ngành nghề biển mới, có giá trị kinh tế cao và bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, kinh tế biển xanh, ứng dụng mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp, dịch vụ biển; Bảo tồn tài nguyên biển và bảo đảm an sinh xã hội, an toàn hàng hải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Đánh giá tiềm năng các dạng tài nguyên biển mới; Cung cấp luận cứ cho quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc; phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. 

“Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển khoa học công nghệ trong các ngành, nghề kinh tế biển chủ chốt của đất nước, góp phần đảm bảo thực hiện định hướng đến đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển như: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, đại diện Viện Chiến lược – Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV