Bá Thước là huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, với tổng số dân hơn 104.000 người, gồm có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh và một số dân tộc thiểu số khác như Mông, Dao, Thổ.

Huyện Bá Thước xác định, để đưa kiến thức chính sách pháp luật đến với quần chúng nhân dân ở các vùng dân tộc thiểu số thì không thể thiếu vai trò nòng cốt của lực lượng người có uy tín. Do đó, huyện đã chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho người có uy tín và phát huy vai trò là tuyên truyền viên của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện Bá Thước có tổng cộng 543 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Riêng năm 2023, toàn huyện có 186 người có uy tín đã tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Người có uy tín cũng vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giải quyết tranh chấp đất đai; không sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy...

anh chup man hinh 2024 01 25 luc 130334.png
Đồng bào dân tộc thiểu số Bá Thước được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật.

Bên cạnh công tác phát huy vai trò của người có uy tín, huyện Bá Thước xác định trợ giúp pháp lý là chính sách ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương cho thấy, trên 80% số dân của huyện Bá Thước thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chiếm 84% tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. 

Tìm hiểu thực tế nhu cầu được trợ giúp về pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn. Ở khu vực này vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn nên điều kiện để tiếp cận pháp luật, chính sách của Nhà nước còn có những trở ngại; trong khi đó các tập tục lạc hậu còn tồn tại. Vì vậy, quá trình triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm và đã đạt kết quả nhất định.

Trong năm 2022 Hội Luật gia huyện Bá Thước đã tư vấn và trợ giúp pháp lý 484 lượt, chủ yếu là tranh chấp đất đai, thủ tục làm giấy chứng nhận sử dụng đất, chế độ bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chính sách hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo và người có công với cách mạng.

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các đơn vị, lực lượng chức năng của huyện còn phối hợp lồng ghép và trợ giúp pháp lý cho nhân dân nói chung cũng như người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn của các thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể như: phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện mở các phiên tòa lưu động xét xử 09 vụ tại các xã vùng sâu, vùng xa, với tổng số 500 lượt người dân chứng kiến. Qua đó người dân nắm rõ được các văn bản, nhận diện được những hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật.

9 tháng đầu năm 2023, huyện Bá Thước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 885 lượt người và trợ giúp pháp lý lưu động thông qua lồng ghép các hội nghị cho 769 lượt người. Các nội dung trợ giúp pháp lý là các văn bản về chuyển nhượng đất, bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho cộng đồng khu dân cư, mở rộng đường giao thông nông thôn, thủ tục chuyển nhượng và cấp quyền sử dụng đất...

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho hay, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đây là cơ sở, nền tảng để huyện Bá Thước thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói riêng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung.

Vân Anh và nhóm PV, BTV