Toàn huyện Ba Vì hiện có 102 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 14 HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 HTX được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề được công nhận. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, huyện Ba Vì là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. 

Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất đến thu hoạch; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, giá trị ổn định... Cụ thể, tại các xã đồng bằng như: Sơn Đà, Tản Hồng, Phú Cường, Chu Minh, Tiên Phong... đã hình thành hơn 2.000ha vùng trồng lúa chất lượng cao, với các giống: TBR225, J02, QR15, Bắc thơm, Hương thơm, Đài thơm, nếp và 168ha rau an toàn. Vùng đồi gò, miền núi, gồm các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại... phát triển mạnh về chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, lợn, gà và trồng hoa, cây cảnh, trồng và chế biến cây thuốc nam... Vùng ven sông, như các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phong Vân, Phú Đông, Phú Cường phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản...

anh bai 12.jpg
Gà đồi là một trong những sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu của huyện Ba Vì

Thôn Cô Chu, xã Tản Lĩnh có địa bàn  cạnh vườn quốc gia Ba vì, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, việc tạo thành vùng sản xuất đào đang mang lại đổi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp tại đây. Chính quyền và Hội nông dân xã đã tập trung chuyển đổi biến cây đào thành cây thế mạnh, tích cực hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để cho bà con nhân rộng mô hình hơn nữa. Không những vậy, nông dân nơi đây đang có  kế hoạch thành lập HTX làng nghề, chi hội nghề nghiệp trồng đào để qua đó có thể phát triển hiệu quả hơn nữa loại cây này.

Thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh từ lâu đã nổi tiếng là vùng trồng mai trắng lớn của thành phố Hà Nội, cây mai trắng thực sự đã giúp người dân tại đây đổi đời. Toàn thôn có 240 hộ trồng mai, bình quân có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm. Có một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, cây kém hiệu quả kinh tế, chuyển sang trồng mai trắng, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Ngoài trồng đào, trồng mai, mô hình nuôi bò sữa cũng được coi là thế mạnh. Nhằm phát triển loại hình chăn nuôi này, việc chế biến các sản phẩm từ sữa đang mang lại hiệu quả rất cao. Nhận thấy được những lợi thế thiên nhiên ban tặng cho người dân, nhiều năm qua, Công ty cổ phần sữa Con bò vàng Ba Vì đã liên kết với người nông dân trên địa bàn Tản Lĩnh để phát triển một nhà máy chế biến các sản phẩm  từ sữa. Đến nay, Con bò vàng Ba Vì đã có hơn 20 sản phẩm sữa các loại. Đặc biệt, Công ty còn ký kết thu mua sữa của trên 100 hộ dân với số lượng khoảng 6 tấn sữa mỗi ngày. Với các hộ ký hợp đồng, công ty hướng  dẫn chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi sữa trên địa bàn để tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Vì hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, giới thiệu quảng bá sản phẩm... Đến nay, Ba Vì đã có 138 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 75 sản phẩm đạt 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa, giò đà điểu, rau quả an toàn...

 Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập người dân huyện Ba Vì không ngừng được nâng lên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn ngày thêm khởi sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay giảm xuống.

Huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 giá trị canh tác đạt 220 triệu đồng/ha, thu nhập của người dân nông thôn đạt 72 triệu đồng/người/năm... Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm thế mạnh; đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mai Hương và nhóm PV, BTV