Đến cuối năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới tại 100% các xã. Bảy huyện, thành phố cũng đã được phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng đô thị. Điều này đảm bảo cho sự phát triển bền vững và đồng bộ của khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tiêu biểu như giao cho cộng đồng thực hiện các công trình có vốn đầu tư thấp; hỗ trợ xi măng để cứng hóa đường giao thông; hỗ trợ mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bắc Giang 1
Nông dân Bắc Giang thu hoạch bí xanh.

Trong công tác phát triển hạ tầng và dịch vụ công, tỉnh phát động phong trào thi đua "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Các địa phương trong tỉnh đã chuyển từ đầu tư xây dựng các công trình lớn sang những nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân như cứng hóa đường giao thông thôn, xóm; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; và thực hiện Chương trình OCOP.

Toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp hơn 1 nghìn km đường giao thông nông thôn và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt 80,91%. Công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng cũng được đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu sản xuất và giảm tình trạng ngập úng.

Trong phát triển hệ thống giáo dục và y tế, Bắc Giang đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục và y tế. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 96%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,5% và mức độ 2 đạt 21,06%. Cơ sở vật chất y tế cũng được nâng cấp, đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân cư nông thôn.

Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ với 276 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng đạt kết quả tích cực với tỷ lệ thu gom rác thải đạt 94,2% và tỷ lệ rác thải được xử lý đạt 93,5%.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 144/182 xã nông thôn mới, 44 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 314 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã, tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2020.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay, thành công lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bắc Giang là đã thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân. Vai trò chủ thể của người dân được khẳng định và phát huy. Người dân chủ động tham gia đóng góp vật chất và công sức để xây dựng công trình công cộng. Các địa phương đã phát huy tính chủ động, có nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu theo hướng kế thừa và bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân nông thôn. Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống. 

Bắc Giang cũng sẽ đẩy mạnh phong trào "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", thường xuyên tổ chức các hội thi để tạo khí thế sôi nổi giữa các địa phương.

Tỉnh sẽ tập trung nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và thôn nông thôn mới kiểu mẫu để hình thành những làng quê đáng sống. Tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng v theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Trong xây dựng nông thôn mới, Bắc Giang xác định Nhà nước đóng vai trò tổ chức, khuyến khích, hỗ trợ và mọi hoạt động phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của người dân. Mục tiêu cuối cùng là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.