Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-2019), nguyên Trưởng ban Thường trực QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chủ tịch QH) diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Trong diễn văn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điểm lại về thân thế, sự nghiệp của chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Ngọc Thắng |
Dựng tấm bảng 'không nhận quà biếu'
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh tháng 9/1889 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội).
Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906, cụ Bùi Bằng Đoàn (khi đó mới 17 tuổi) đã đỗ cử nhân. Sau đó, cụ được nhận vào học và tốt nghiệp thủ khoa Trường Hậu Bổ.
Khi làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; đến Án sát tỉnh Lạng Sơn, Án sát tỉnh Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình... cụ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực.
Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu.
“Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức ‘liêm’, ‘chính’ của một bậc danh Nho chân chính”, Chủ tịch QH nói.
Từ trái qua phải: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu |
Đối với nhân dân, cụ có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân.
Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ đã đề xuất và tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu.
Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc.
Câu chuyện khác được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến, năm 1925, khi đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với quyết tâm khép cụ Phan vào “tội chống lại Chính phủ bảo hộ”, chính quyền thuộc địa đã đặt ra 1.997 câu thẩm vấn cho chí sĩ Phan Bội Châu.
Để bảo vệ cụ Phan Bội Châu, với tính cách cương trực của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã phiên dịch rõ ràng, đầy đủ những lý lẽ phản bác đanh thép của cụ Phan Bội Châu trước phiên tòa, nên mặc dù rất muốn kết tội chung thân đối với nhà yêu nước Phan Bội Châu, tòa án đã buộc phải tuyên án với mức đưa đi “an trí ở Huế”.
Tấm gương sáng
Sau Cách mạng tháng 8, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong điều kiện cách mạng gặp muôn vàn khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài.
Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn cho Chính phủ.
Các nghệ sĩ tái hiện lại cảnh cụ Bùi Bằng Đoàn đọc thư của Bác Hồ. Ảnh: Ngọc Thắng |
Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng.
Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng.
Tháng 1/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm ĐBQH của tỉnh Hà Đông. Vào tháng 11 năm đó, cụ đã được QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban thường trực QH.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu lên, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11/1946”.
Lời tuyên bố đanh thép của cụ là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh nặng. Đến ngày 13/4/1955, cụ từ trần.
Theo Chủ tịch QH, cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
“Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các đại biểu QH, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập”, Chủ tịch QH nói.
Điều đặc biệt của điếu văn Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ
Điếu văn chứa đựng tình cảm, tinh hoa trí tuệ của các lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng… và ông Đống Ngạc dành cho Người.
Hương Quỳnh